Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu buồn khi ngành thể thao đánh mất niềm tin quá nhiều. Ảnh: ANH QUANG
Ông Lê Bửu cũng là cây đa cây đề trong ngành thể thao và nay dù đã ngoài 80 nhưng ông vẫn rất bức xúc với việc ngành thể thao bây giờ dùng người sai mục đích và bị chi phối bởi những tác động bên ngoài. Ông chia sẻ với chúng tôi những vấn đề nhạy cảm nhưng theo ông là cần thiết.
Thưa giáo sư Lê Bửu, dù đã nghỉ hưu rất lâu nhưng ông vẫn là người hay giảng dạy và tư vấn cho ngành thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng. Ông có thể cho biết cảm nhận của ông về những vấn đề đấy như thế nào?
Tôi rất buồn bởi từ khi đất nước thống nhất, thể thao đã được chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng là góp phần để “dân cường, nước mạnh”. Đó cũng là cầu nối cho những mối quan hệ quốc tế nhanh nhất và gần nhất. Thế nhưng thế hệ đó mọi người hy sinh, chăm chút nhiều chừng nào thì sau nay những người thừa kế lại thờ ơ và thiếu trách nhiệm đến chừng nấy…
Ông suy nghĩ thế nào về việc một ông từng là quyền giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF tố cáo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ. Sau đó thì Tổng cục TDTT nhanh chóng đưa ra kết luận không có cơ sở để xác định người của Tổng cục nhận hối lộ?
Tố cáo thì đầy rẫy trong đó tố đúng cũng có mà vì những lợi ích, vì quyền lợi cũng có. Điều này thì phải cân nhắc và đừng vội suy diễn. Khi tố cáo tiêu cực thì phải có chứng cứ. Và tôi có nghe nói cái cậu tố cáo đấy có chứng cứ đầy đủ nhưng không tin Tổng cục TDTT nên chỉ đồng ý cung cấp cho cơ quan điều tra thôi.
Thực chất thì chuyện nội bộ đấm đá nhau gài bẫy nhau vì cái chức cái quyền xảy ra nhiều lắm. Tôi nghĩ với cậu Lê Hùng Dũng một vài trăm triệu chẳng là gì cả. Nhận hối lộ như thế để làm gì. Cái chính là chọn người và ngồi đúng vị trí để phát triển một nền bóng đá. Thể thao mà chạy chức, chạy quyền, chạy ghế để vào làm rồi vòi vĩnh thì tất nhiên tiêu tan một nền thể thao. Làm thể thao thì phải có cái tâm và cái tầm để mới tốt lên được còn vì cái ghế, nhiều ghế và vòi vĩnh thì tiêu. Còn chuyện cậu Tuấn thì tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Tôi biết cậu này từ bé khi còn kề vai làm thể thao với ông Chín Lộc ba cậu này…
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trong buổi giải thích đơn tố cáo ông nhận hối lộ. ảnh: ĐS&PL |
(Ngẫm nghĩ và trầm tư rất lâu) Ngày tôi còn làm Giám đốc Sở TDTT TP.HCM tôi đề xuất anh Nguyễn Đình Khoái là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao ở Tổng cục TDTT đưa cậu Tuấn ấy sang Liên Xô học nghiên cứu sinh và Tổng cục TDTT đã đồng ý. Chắc các anh sẽ thắc mắc vì sao tôi đề nghị như thế ư? Vì bố cậu ấy là anh Chín Lộc, là người có đóng góp rất lớn cho ngành thể thao nói chung và cho tỉnh Phú Khánh trước đây nói riêng. Thể thao Phú Khánh thời đó rất mạnh, nhất là điền kinh. Tôi cảm động vì điều đó và biết ơn những con người cống hiến cho thể thao như anh Chín Lộc và chính tôi đã đề xuất lên anh Khoái để tạo điều kiện và giúp cậu Tuấn con anh Chín Lộc đi Liên Xô học.
Sau này anh Chín Lộc mất tôi còn thân chinh ra Nha Trang ba ngày lo chu toàn tang lễ mọi thứ. Nhưng tiếc là cậu Tuấn được tạo nhiều điều kiện lại không có cái tâm với thể thao như bố cậu ấy ngày nào đã hy sinh. Sau này cậu Tuấn mỗi khi gặp tôi là lại né lại tránh, không một lời chào. Tôi không đau vì mình không được lớp con cháu chào hỏi hay nhớ ơn, nhưng đau ở chỗ ngành thể thao cử cán bộ đi học nước ngoài về để lo cho nền thể thao, chứ không phải để chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, để ngồi thật nhiều ghế rồi vòi vĩnh, rồi thao túng… Tôi nghe nói cậu này đã có hơn 14 ghế đủ loại. Và tôi cũng nghe nói cậu Tuấn này giờ đang nhắm đến chức Tổng cục phó, Tổng cục trưởng gì đó… Tâi đau lắm!
Là lãnh đạo Tổng cục ông có suy nghĩ về việc người của TC TDTT được đưa sang ngồi quá nhiều ghế ở tổ chức VFF mà bóng đá Việt Nam thì vẫn ì ạch, tiêu cực và không lên được?
Cái này các anh phải hỏi lại lãnh đạo Bộ VH-TT& DL, lãnh đạo Tổng cục TDTT. Làm ngành thể thao ngồi nhiều ghế như thế mà không giàu chuyên môn thì đó là chạy chức, chạy ghế chứ còn gì nữa. Điều đó rất nguy hiểm cho bóng đá nói riêng và thể thao nước nhà nói chung. Nói thật là qua đó không chỉ tôi mà mọi người cũng có quyền đặt dấu hỏi vì sao Bộ VH-TT& DL và Tổng cục TDTT lại dễ dãi với cán bộ của mình như thế.
Tôi lo nhất là cái miệng thì hô hào nhưng làm thì ngược lại. Nạn chạy chức, chạy ghế, chạy quyền mà tồn tại trong ngành thể thao thì tiêu tan nền thể thao. Thể thao đòi hỏi sự cống hiến không cần thừa nhận. Còn nếu chạy chức, chạy quyền, chạy ghế mà nhảy vào thể thao thì nguy hiểm lắm lắm…
Tôi đau là vì không phải đấy chỉ là chuyện của cá nhân cậu Tuấn không đâu, nó là chuyện của một bộ máy…
Chúng tôi có nghe thông tin trước đây để đủ chuẩn vào học Đại học TDTT thì ông Tuấn được “cài đặt” vào tổ tiếp sức Phú Khánh thi đấu bên cạnh ba ngôi sao kiện tướng điền kinh của tỉnh và nhờ “ăn theo” thành tích đấy mà ông Tuấn đủ chuẩn vào Đại học TDTT rồi sau đó sang Liên Xô học?
Chuyện đó mà các anh cũng biết sao? Nói thật là điều này không sai. Nhiều anh em cán bộ trong ngành thể thao trong đó có cả tôi thương anh Chín Lộc hết lòng và tận tình với thể thao nên đã giúp con anh ấy có điều kiện để nối nghiệp cha. Thế mà… (thở dài)
Thế ông có suy nghĩ gì khi vài ngày sau đơn tố cáo thì đích thân người bị tố cáo là ông Tuấn lại dẫn hai lãnh đạo trong Vụ tổ chức của Tổng cục TDTT đi sang Nhật Bản với lý do học làm bóng đá chuyên nghiệp và đi bằng ngân sách của VFF?
Điều này nghe thật buồn nhưng có thật như vậy thì Tổng cục TDTT đã làm mất niềm tin người hâm mộ quá. Việc đi lại đấy phải thông qua lãnh đạo đầu ngành của TC TDTT mà để cho dân thắc mắc như thế thì còn gì là niềm tin nữa.
Làm bóng đá chuyên nghiệp thì giao cho tổ chức bóng đá chuyên nghiệp, quan chức Tổng cục chẳng nhảy vô làm gì. Rồi sau này vụ thanh tra, xác minh ông Tuấn có nhận hối lộ thật không liệu có những người của Tổng cục mà ông Tuấn dẫn đi có can dự hay không? Thật đáng lo cho ngành thể thao mà lại để người hâm mộ cứ nghi ngờ, dị nghị như thế. Sắp tới có dịp ra Hà Nội tội sẽ gặp các anh ấy và đưa những vấn đề trên ra hỏi giống như một người dân, một người hâm mộ chất vấn những cán bộ này.
Xin cám ơn ông.
Tú Ân (thực hiện)
theo Một Thế Giới