Ở vách đá Tojinbo, gần như không có ai chọn cách kết liễu mạng sống vào những ngày mưa gió. Họ thường nhảy xuống vào những ngày mặt trời chiếu sáng rực rỡ, khi đám đông nhộn nhịp gợi nhắc những đau khổ mà họ đang chịu đựng. Họ cũng có thể quyết định chấm dứt tất cả khi gặp phải những cơn khủng hoảng tài chính hay khi mùa xuân bắt đầu. Đó là lúc các trường học ở Nhật Bản bước vào năm học mới và những áp lực của cuộc sống lại bủa vây.
Tuy nhiên, dù thời tiết có như thế nào cũng không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của ông Shige. Mỗi ngày, cụ ông 73 tuổi này đều trèo lên những cây cột của vách đá Tojinbo, cách mặt biển bên dưới 24 m. Với ống nhòm trong tay, người đàn ông tốt bụng kỹ lưỡng tìm kiếm những thân hình cô độc trên các mỏm đá xa xa, sẵn sàng thuyết phục họ từ bỏ ý định rời bỏ cuộc đời.
Trong 15 năm, ông Shige đã thành công đưa 609 người trở về từ vách đá tuyệt vọng. "Cách tôi cứu họ là xem họ giống như một người bạn. Tôi không quá vồn vã hay làm điều gì tương tự mà chỉ chào hỏi rất đơn giản. Những người này đang cần được giúp đỡ và chỉ chờ ai đó trò chuyện với họ mà thôi" - ông Shige nói.
Ông Yukio Shige. Ảnh: TNS |
Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ tự sát cao nhất trong thế giới hiện đại. Theo thống kê năm 2016, cứ 100.000 người Nhật Bản lại có 17,3 người tự tử. Con số này chỉ xếp thứ 2 sau Hàn Quốc và cao hơn Mỹ.
Cũng giống như các nước khác, hầu hết những người tự sát đều là đàn ông. Trong dân số có độ tuổi từ 15 đến 39 ở Nhật Bản, tự sát là yếu tố cướp đi nhiều mạng sống hơn cả bệnh ung thư và tai nạn cộng lại.
Mặc dù hầu hết các vụ tự sát ở Nhật Bản đều xảy ra ở nhà riêng, một số lại tập trung ở những "điểm nóng" như cầu, vách đá, hẻm núi và nhà cao tầng. Các chuyên gia cho biết Nhật Bản có khoảng 50 địa điểm như vậy, trong đó có khu rừng Aokigahara nằm dưới chân núi Phú Sĩ, nơi được mệnh danh là khu rừng tự sát.
Một địa điểm phổ biến khác là vách đá Tojinbo, cách thủ đô Tokyo 321 km về phía Tây. Theo truyền thuyết, vách đá được đặt tên theo một nhà sư bị kẻ thù sát hại ngay tại đây.
Ông Shige là một cảnh sát kỳ cựu trong 42 năm và Tojibo là nơi công tác cuối cùng của ông. Tại đây, ông thường xuyên phải vớt xác người chết ra khỏi những cơn sóng dữ.
Vào năm 2003, ông Shige phát hiện một cặp vợ chồng lớn tuổi ngồi trên một băng ghế và tiếp cận họ. Hai người này nói rằng họ sở hữu một quán bar ở Tokyo và đang nợ nần chồng chất nên quyết định tự sát.
Ông Shige liền gọi cho các đồng nghiệp và cặp vợ chồng được đưa đến một văn phòng phúc lợi địa phương. 5 ngày sau, họ bị phát hiện treo cổ ở Niigata. Quá sốc trước sự việc, ông Shige liền thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để tuần tra khắp vách đá Tojinbo. Hiện ông có khoảng 20 tình nguyện viên làm việc liên tục vào ban ngày.
Vách đá Tojinbo. Ảnh: Japan Guide |
"Nguyên nhân chúng tôi tuần tra đơn lẻ là vì nếu đi theo 1 cặp, người muốn tự sát sẽ cảm thấy nghi ngờ và quyết định giấu mình. Con người thường cảm thấy an toàn hơn với những cuộc trò chuyện chỉ có 2 người" - ông Shige lý giải. Mới đây, ông còn sắm một thiết bị bay không người lái để giúp việc quan sát trở nên nhanh chóng hơn.
Trước đây, ông Shige từng thúc đẩy chính quyền thiết lập các loại hàng rào bảo vệ để ngăn người tự tử nhưng bị từ chối vì điều này gây ảnh hưởng đến du lịch. Thay vào đó, cơ quan chức năng quyết định lắp đặt các cột đèn chiếu sáng để ngăn chặn việc tự sát vào ban đêm.
Theo lời ông Shige, những người nhảy khỏi vách đá đại diện cho tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật Bản: người vô gia cư, người lớn tuổi và học sinh dưới áp lực học tập. Họ thường ngồi 1 mình trong hàng giờ đồng hồ dọc theo vách đá đến khi mặt trời lặn và đám đông dần thưa thớt.
Vào ngày 31-8-2017, ông Shige phát hiện một thiếu nữ 17 tuổi đang chìm trong suy tư trên vách đá. Ông đưa cô gái về văn phòng nhỏ gần đó và lắng nghe cô trải lòng. Được biết, cha mẹ cô gái luôn gây áp lực để buộc cô thành công nhưng cô lại cảm thấy mình không đủ khả năng.
"Học kỳ mới bắt đầu vào hôm qua. Cháu không làm bài tập nên cảm thấy xấu hổ" - cô gái kể lại. Vì vậy, thay vì đến trường vào sáng hôm đó, nữ sinh này lại đi tàu và xe buýt suốt 2 giờ để đến vách đá.
Sau đó, ông Shige gọi điện cho cha mẹ của thiếu nữ để họ đến đón con gái. "Chúng tôi hỏi họ rằng: 'Điều gì quan trọng hơn, mạng sống của cô bé hay chuyện tốt nghiệp?' rồi trao con gái lại cho họ" - ông Shige kể lại. Đây là người thứ 23 trong số 28 người được ông Shige cứu sống vào năm 2017
Tác giả: Bảo Hạnh
Nguồn tin: Báo Người lao động