Trong nước

Ông bí thư, ông chủ tịch giữa những cuộc đối thoại gay cấn

Chỉ từ vài vụ việc nêu trên cho thấy vấn đề đối thoại, việc đối thoại với dân, nghe dân nói là rất quan trọng.

Sự việc hàng ngàn tiểu thương chợ Hà Tĩnh đã cùng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đối thoại, giải quyết vấn đề chợ Hà Tĩnh một cách nhanh chóng đang được dư luận quan tâm, đồng tình và hoan nghênh. Không chỉ người dân trong cuộc phấn khởi, một vụ việc, một điểm nóng được xử lý rốt ráo, mà từ đây cho thấy để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo (KNTC), để xây dựng, phát triển đất nước bền vững, càng phải gần dân hơn, vì dân hơn và phải tăng cường đối thoại với dân.

Ông bí thư, ông chủ tịch giữa những cuộc đối thoại gay cấn
Tiểu thương ôm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh sau khi được hứa đảm bảo tương lai. Ảnh: T.L/ ĐĐK

Sau cuộc đối thoại với Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hà Tĩnh, không ít tiểu thương chợ Hà Tĩnh đã tỏ thái độ hết sức vui mừng, có người dân đã ôm chầm lấy vị Chủ tịch để tỏ lòng cảm kích. Người dân đã coi ông Chủ tịch tỉnh là cứu tinh của mình. Vậy là vụ việc được giải quyết thoả đáng, cái khoảng cách giữa cán bộ chính quyền với dân không còn, niềm tin giữa dân với Đảng, chính quyền thêm được củng cố.

Có điều, từ vụ việc này người ta băn khoăn tự hỏi: Nếu như ông Chủ tịch tỉnh không đứng ra đối thoại, trực tiếp giải quyết vụ việc thì không hiểu vụ việc sẽ đi đến đâu? Vì sao nên nỗi để các tiểu thương phải bãi thị, phải KNTC? Như vậy, rõ ràng dự án, hay việc thực hiện dự án đã có những vấn đề, hoặc bất cập, thiếu công khai, minh bạch hoặc chưa đúng chính sách, quy định pháp luật, hoặc có những tiêu cực, tham nhũng phát sinh? Nếu như chỉ vì khâu tuyên truyền chưa tốt, dân chưa hiểu, phải đến khi vị cán bộ cao nhất địa phương nói người dân mới tin, sự vụ mới sáng tỏ, thì sự yếu kém lại nằm trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan chức năng, cán bộ cấp dưới…

Vụ việc xẩy ra ở Hà Tĩnh được giải quyết bằng đối thoại với dân vừa qua không chỉ là sự vụ hy hữu. Trước đó đã có nhiều điểm nóng, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết bằng đối thoại, nhất là đối thoại của các vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, thành phố, bộ ngành.

Người ta còn nhớ vụ khiếu nại của hàng ngàn ngư dân ở 4 xã, phường: Quảng Cư, Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hồi đầu tháng 3/2016. 11 ngày liền người dân đã kéo lên UBND tỉnh chất vấn về Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”  thu hồi khu vực neo đậu bến thuyền của ngư dân. Bí thư Thanh Hoá đã mời bà con cùng đối thoại.

Cuộc đối thoại, nhiều lúc căng thẳng, gay cấn, thậm chí ngư dân còn đề nghị ông Bí thư chỉnh lại lời nói, đề nghị không được rời vị trí đối thoại… Tuy nhiên sau hơn 3 giờ đối thoại, với những ý kiến, quyết định rõ ràng, buổi đối thoại đã kết thúc trong những tràng vỗ tay, không ít người dân đã níu tay, cảm ơn vị lãnh đạo tỉnh đã giúp họ “hơn cả mong đợi”…

Chỉ từ vài vụ việc nêu trên cho thấy vấn đề đối thoại, việc đối thoại với dân, nghe dân nói là rất quan trọng. Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề đối thoại, lắng nghe dân. Tiếp dân, đối thoại với dân, với người khiếu nại, tố cáo đã là quy định bắt buộc của pháp luật đối với người đứng đầu chính quyền UBND các cấp, Bộ ngành. Đối thoại là quy định xuyên suốt trong quá trình giải quyết KNTC, từ khi giải quyết lần đầu. Liên quan đến việc đối thoại của các cán bộ cấp tỉnh (chủ yếu giải quyết lần hai), Điều 39 của Luật Khiếu nại đã quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại”.

Thực tế chứng minh như các vụ việc đã nêu, khi người có thẩm quyền, cán bộ lãnh đạo trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, của người khiếu nại, thì việc giải quyết khiếu nại, giải quyết vụ việc càng chính xác, hiệu quả, kịp thời. Thông qua đối thoại đã thể hiện được tính công khai, dân chủ, thể hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…

Quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu “Chính phủ luôn gần dân, hướng về nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân đi KNTC để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm. Những sự việc như Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các đơn vị liên quan do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp về Vĩnh Phúc để giải quyết khiếu nại, tố cáo, hay việc giải quyết vụ việc bằng đối thoại của Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá, của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, Đảng, Chính phủ đang tích cực vào cuộc bằng những việc làm cụ thể.

Cũng một vấn đề đặt ra, vì sao lâu nay nhiều vụ việc KNTC phải đến lãnh đạo cấp cao mới giải quyết được, mới phát lộ ra nhiều vấn đề chưa công khai, khách quan? Luật KNTC năm 1998 cũng đã quy định đối thoại là yêu cầu bắt buộc ngay từ lần giải quyết khiếu nại đầu tiên. Thế nhưng vì sao khiếu nại vẫn kéo dài, vượt cấp.Và rồi từ vụ việc như trên cho thấy, công tác quản lý, thực thi pháp luật ở cơ sở còn không ít tồn tại. Ngay công tác giải quyết KNTC từ cơ sở, việc đối thoại với dân còn nhiều hạn chế, hình thức. Và rồi từ những vụ việc cụ thể như đã nêu, người ta hy vọng, những bất cập, hạn chế tiêu cực theo đó sẽ được phanh phui, xử lý…

Yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TƯ ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, thực hiện nghiêm quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân… trong đó tăng cường việc đối thoại với dân, gần dân hơn, giải quyết trên tinh thần vì dân, nhất là của chính những người đứng đầu như hiện nay, tin rằng KNTC sẽ giảm. Đây cũng là một biện pháp để phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quyền lợi cho người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.

Kiên Long/ theo Đại đoàn kết

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP