Oanh tạc cơ B-2 Mỹ (trái) trên đường đến tham gia diễn tập tại Hàn Quốc hồi tháng 8/2017. Ảnh: Yonhap. |
"Xét về mặt ngoại giao, chúng tôi không muốn phải làm điều gì đó phá hỏng các cuộc đàm phán đang diễn ra. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không thực hiện các chuyến bay qua bán đảo Triều Tiên", AFP ngày 26/11 dẫn tuyên bố của tướng Charles Brown, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương.
Brown cho biết quyết định này được thực hiện theo yêu cầu của chính quyền Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ chiến dịch "Oanh tạc cơ hiện diện thường xuyên" (CBP), không quân Mỹ đã duy trì máy bay B-1B, B-52 và B-2 tại căn cứ trên đảo Guam từ năm 2004. Washington thường thực hiện các chuyến bay qua khu vực này, cùng với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia nhằm mục đích huấn luyện và khẳng định hiện diện quân sự mạnh mẽ chống lại Triều Tiên cũng như những đối thủ tiềm tàng khác.
Tuy nhiên, Brown khẳng định mặc dù không bay qua bán đảo Triều Tiên, số lượng chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược Mỹ hàng năm vẫn không thay đổi.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc nếu Triều Tiên thực hiện các cam kết giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, hai nước sau đó không đạt được nhiều tiến bộ như nội dung trong tuyên bố chung.
Mỹ và Hàn Quốc hồi giữa tháng đã thống nhất thu nhỏ quy mô cuộc tập trận Foal Eagle (Đại bàng non) nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao đang có dấu hiệu chững lại gần đây.
Tác giả: Nguyễn Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress