Giải trí

Ở đâu có người Việt, ở đó có Tết

Bà Ngọc Lan- một Việt kiều sinh sống tại quận Cam, California (Mỹ) – đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cái Tết cổ truyền của dân tộc, cũng như việc đón Tết của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Mấy năm gần đây cứ đến ngày giáp Tết là truyền thông, mạng xã hội trong nước lại “dậy sóng” chuyện bỏ hay giữ Tết ta. Bên nào cũng có lý lẽ thuyết phục cho ý kiến của mình.
 

Theo bà Ngọc Lan, ở Mỹ, Tết không phải là một ngày lễ chính thức, vì vậy nếu Tết rơi vào ngày trong tuần thì cộng đồng người Việt vẫn đi làm bình thường như bao ngày khác, và Tết chỉ thật sự diễn ra vào cuối tuần đó. Nhưng không vì thế mà ngày Tết trở nên nhạt nhòa trong cộng đồng người Việt.

“Hơn mười năm nay, tôi thấy người Việt ở quận Cam càng ngày càng ăn Tết lớn hơn. Tết bắt đầu từ tuần thứ 2 của tháng Chạp khi chợ hoa Tết ở Phước Lộc Thọ khai trương, và kéo dài cho tới giữa tháng Giêng.

Ngoài hoa Tết ở Phước Lộc Thọ, càng ngày càng có nhiều chợ hoa Tết ở các khu thương mại Việt Nam khác, và càng ngày càng lớn hơn, nhiều loại hoa hơn”, bà Ngọc Lan cho biết.

Xem diễn hành Tết ở Little Saigon.

Tại đây, chợ hoa không chỉ có hoa mà còn bày bán đủ loại trái cây để mọi người bày mâm ngũ quả. Cứ đến cuối tuần, người người chen chân mua bán, chỉ cần đi trễ một chút là không tìm được chỗ đậu xe.

Người Việt nơi đây thích cái cảm giác đi chợ Tết ở khu chợ ABC ngày giáp Tết, bởi không khí ở khu chợ này giống như chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh. Các gian hàng rộn ràng tiếng người mua người bán chào mời, trả giá ồn ào cả một góc đường.

“Thích nhất là khi có người hỏi sao mình mua được cành đào, chậu hoa đẹp quá, mua ở đâu, giá bao nhiêu. Không quen mà cứ như quen lâu lắm rồi”, bà Ngọc Lan chia sẻ.

“Đêm Giao thừa là thời khắc mà tôi yêu thích nhất. Hồi ở Việt Nam chúng tôi hay đi lễ chùa đêm Giao thừa, nhưng chưa bao giờ thấy có văn nghệ ở chùa. Qua đây thì đêm Giao thừa ở các chùa lớn đều có chương trình văn nghệ được truyền hình trực tiếp từ 10 giờ đêm, người đi viếng chùa cũng rất đông. Các bác lớn tuổi thì đi viếng chùa từ chiều tối, hoặc chờ sáng mùng Một, còn lúc Giao thừa toàn các bạn trẻ, vừa đi chùa xin lộc, vừa để được tha hồ đốt pháo”.

Với nhiều người, được nghe tiếng pháo, được ngửi mùi thuốc pháo, cảm giác giống như được sống lại kỷ niệm của những ngày xưa cũ. Nhưng pháo ở đây không phải muốn đốt ở đâu, đốt khi nào cũng được. Chỉ vài thành phố có nhiều người Việt mới được đốt pháo, và chỉ được đốt ở các khu thương mại vào ngày 30 và mùng Một Tết, và không được đốt ở khu dân cư.

Đốt pháo, múa lân ở ngoài trời.

“Đêm Giao thừa, bà con cũng bày bánh mứt, hoa quả ra sân cúng tiễn năm cũ, mừng năm mới sang, ngó sang nhà hàng xóm người Việt bên kia đường cũng bày bàn ra cúng, trong nhà rộn ràng tiếng nhạc xuân, cảm giác như ở Việt Nam. Một chút lưu luyến, một chút hân hoan, một cảm giác chỉ có vào thời khắc Giao thừa”.

Mùng một Tết, dù là ngày thường hay ngày cuối tuần, các chùa đều đông nghẹt người đến lễ Phật và xin lộc đầu năm, bởi vì có nhiều người luôn dành một ngày phép để nghỉ vào ngày mùng Một. Tại các ngôi chùa ở Mỹ, người đến chùa đều được các sư ban cho một trái quýt, hay một cành mai rừng nhỏ, một bao lì xì với những lời chúc tốt lành. Tuyệt đối không có cảnh chen lấn, giành giựt lộc chùa.

Nói về hội hè vào dịp Tết thì ở đây rất nhiều. Hội chợ Tết của sinh viên Việt Nam là hội chợ Tết lớn nhất của người Việt ở Mỹ, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia. Các em sinh viên là những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Mỹ nhưng vẫn rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Đến hội chợ của sinh viên, khách thăm quan sẽ được tham gia các trò chơi dân gian như thả thơ, đối chữ, cờ tướng, cà kheo… Các sinh viên người Việt còn tái hiện mô hình làng quê, mô hình biểu tượng ba miền Bắc – Trung -Nam theo từng chủ đề khác nhau.

Còn hội chợ thì tất nhiên không thể thiếu các cuộc thi truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét, thi áo dài, thi hát, thi hoa hậu. Hàng trăm học sinh – sinh viên, tất cả đều là tình nguyện không có thù lao, từ nhiều trường học cấp 2-3, đại học cùng chung tay chuẩn bị từ vài tháng trước đó. Từ xin bảo trợ, xin phép thành phố, tổ chức gian hàng, thuê cảnh sát bảo đảm an ninh, giữ gìn vệ sinh… cho ba ngày hội chợ cho hàng trăm ngàn khách tham quan. Năm nào cũng thu về hàng trăm ngàn đô la để đóng góp lại cho các hoạt động của cộng đồng.

Chợ Tết ở Little Saigon.

Một hoạt động thu hút sự chú ý của nhiều người trong dịp Tết là diễu hành Tết ở đường Bolsa. Cuộc diễu hành luôn thu hút hàng ngàn người đến xem, và được truyền hình trực tiếp cho hàng triệu người Việt hải ngoại thưởng thức.

“Buổi sáng mùa xuân lạnh lạnh, thở ra khói mà nhìn các em nhỏ múa hát, diễu hành trong tà áo dài mỏng manh mà thấy thương ơi là thương. Nhưng rồi tiếng trống lân, các màn biểu diễn nghệ thuật sẽ cho bạn cảm giác hưng phấn, rộn ràng quên cả cái lạnh của một sớm mùa Xuân”.

Tết ở quận Cam như vậy, còn Tết ở những nơi có ít người Việt sinh sống cũng đêu có các lễ hội được tổ chức. Bà con xa quê thường nói với nhau: Ở đâu có người Việt ở đó có Tết.

“Trở lại với tranh luận ban đầu, nên bỏ hay giữ Tết? Với tôi, bỏ hay giữ Tết không còn là một điều cần tranh luận nữa. Điều cần tranh luận ở đây là các bạn sẽ ăn Tết như thế nào? Riêng tôi rất hài lòng với những cái Tết cuối tuần ở đây. Không ảnh hưởng đến việc làm, không ăn chơi dây dưa, mà vẫn giữ được hồn Tết,” bà Ngọc Lan nói.

Với một đất nước không coi ngày Tết là ngày lễ chung, nhưng Tết vẫn cứ diễn ra, vẫn cứ tiếp diễn ngày càng lớn hơn. Vì Tết không chỉ là một sự kiện xã hội, mà nó là một nét văn hóa, một tập quán rất đặt biệt. Tết là những hoài niệm đẹp đẽ, là cảm giác sum vầy, là niềm hân hoan hy vọng.

Theo infonet

  Từ khóa: người Việt , Tết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP