hatinh24h

Ngày 22/8, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế tại Quảng Trị. Ngay sau đó, tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Tĩnh hội nghị này để cán bộ và người dân được trực tiếp nghe và chất vấn những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển vừa qua và được bộ này chấp thuận.

Sau phần thông tin các kết quả điều tra, quan trắc hiện trạng môi trường biển như đã công bố tại Quảng Trị của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra. Rất đông cán bộ và người dân Hà Tĩnh đưa ra những vấn đề “nóng” để chất vấn các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường như: Tại sao các nhà khoa học không đưa ra phương án xử lý ô nhiễm biển ngay mà cứ cho rằng biển đang tự phục hồi, Formosa đã sử dụng bao nhiêu hóa chất để gây ra thảm họa Formosa, vùng biển phía bắc Hà Tĩnh (từ hòn Sơn Dương trở ra) có an toàn hay không…?

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết,  tại Formosa hiện có một lò cốc đang hoạt động, mỗi ngày sản xuất 2.000 tấn cốc, trong đó 1 tấn cốc áp dụng công nghệ của thế giới và của Formosa thì thải ra khoảng 0,6 tấn nước thải. Như vậy với công suất 2.000 tấn cốc lò luyện này thải ra khoảng hơn 1.000m3 nước thải ô nhiễm. Như vậy nếu số nước trên không được xử lý, mỗi ngày sẽ có 1 tấn phenol xả ra biển.

GS.TS Mai Trọng Nhuận và các cộng sự nhấn mạnh: Với kết quả phân tích hiện nay chưa nên áp dụng can thiệp công nghệ để làm sạch trầm tích biển, vì rất khó khăn và tốn kém.

Minh Thùy