Chị Thủy cho biết, chị làm nghề giúp việc gia đình được hơn 10 năm. “Khi còn nhỏ, tôi bị ốm và không được điều trị kịp thời nên giọng nói khó nghe hơn bình thường.
Lớn lên, tôi cũng không lấy chồng mà sống cùng bố mẹ. Khi bố mẹ mất, tôi sống cùng gia đình anh trai, cuộc sống gia đình khó khăn nên tôi xin đi làm giúp việc.
Ban đầu tôi được người quen giới thiệu đến các gia đình. Sau thời gian làm việc cho gia chủ thứ nhất, tôi tự tìm việc cho mình. Đến nay, tôi cũng đã làm qua nghề giúp việc ở hàng chục gia đình. Những buồn vui, sướng khổ của nghề tôi đều nếm trải đủ”, chị Thủy nói.
Chị Đỗ Thị Thủy (47 tuổi, quê Ba Vì) hiện làm giúp việc gia đình tại Hà Nội. Ảnh: Diệu Bình |
Chia sẻ về việc liên tục đổi chủ, chị Thủy giải thích: “Phần lớn những nhà tôi làm, họ đều thuê hai giúp việc. Tôi làm công việc nấu nướng, lau chùi, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa, người còn lại làm những việc như trông coi người ốm, bế trẻ…
Khi những đứa trẻ lớn hơn, chúng đi học thì gia đình chỉ cần một giúp việc. Đó là lúc tôi nghỉ làm”.
“Có nhiều gia đình, khi bị cho nghỉ vì nhu cầu của chủ nhà không còn, tôi thấy rất tiếc vì họ rất tốt, đối xử với mình như người nhà. Ngày lễ, ngày Tết, đặc biệt là ngày giỗ bố mẹ, họ tạo điều kiện cho mình về quê rồi còn mua bánh kẹo, mỳ chính, đường, hoa quả..., cho mình mang về thắp hương”, chị Thủy nói tiếp.
Tuy nhiên người phụ nữ này cũng tâm sự, có những trường hợp là do chị tự xin nghỉ vì chủ nhà quá khắc nghiệt.
“Trong hơn 10 năm làm giúp việc, tôi nhớ và sợ nhất là thời gian làm giúp việc cho một gia đình ở gần Ngã Tư Sở, Hà Nội. Gia đình đó giàu có, nhà 5 tầng, trong nhà có hai ông bà già, vợ chồng cậu con trai và cháu nội. Ông cụ bị bệnh đau lưng nên ít đi lại còn bà thì khó tính”, chị kể.
Cũng theo lời chị Thủy, trong gia đình ấy, ngày nào cũng như ngày nào, bà chủ bắt người giúp việc phải lau rửa bằng tay 5 tầng nhà. Sau đó, người giúp việc phải giặt bằng tay tất cả các loại quần áo dù trong nhà có máy giặt.
Đáng sợ hơn, vào ngày hè, trời nóng bức nhưng không bao giờ bà chủ cho phép người giúp việc được bật quạt.
“Ngoài trời 40 độ, phòng ngủ hầm hập nóng nhưng chủ nhà không cho tắm, họ cũng không cho bật quạt để tiết kiệm điện, nước… Tôi nằm trong phòng, mồ hôi chảy đầm đìa.
Cô con dâu đi làm về thấy tôi như vậy thì thương nên mang cho tôi chiếc quạt điện. Tuy nhiên chỉ bật quạt được một lúc, bà chủ lại chạy lên phòng tắt đi. Tôi cay đắng nhưng nghiến răng chịu đựng và không dám cãi nửa lời.
Chưa hết, khi tôi nấu cơm, bà chủ còn đứng bên cạnh xem xét. Tôi làm rơi chiếc đũa xuống sàn nhà, bà mắng rất gay gắt.
Tôi cho quần áo vào máy giặt, bà phát hiện cũng dậm chân dậm tay mắng tôi… Sợ quá nên làm được 2 tháng 22 ngày thì tôi… “chạy làng”, chị Thủy hãi hùng nhớ lại.
Chị Thủy cho biết, sau này, khi đã quen thêm nhiều người trong nghề giúp việc, chị vô tình biết được có nhiều người cũng từng làm giúp việc cho chủ nhà đó. Tuy nhiên trong tất cả những người làm đó, chỉ có chị Thủy làm cố được gần 3 tháng. Còn lại, có người chỉ 1 tuần đã phải… trốn.
Chị bảo, nhiều người chê trách người giúp việc với đủ thứ xấu. Thế nhưng có làm nghề này mới biết, nhiều chủ nhà cũng oái oăm và ghê gớm vô cùng.
“Tôi năm nay 47 tuổi, không chồng, không con và cũng không khá giả nên cũng tính đi làm vài ba năm nữa, kiếm thêm chút vốn về quê sửa căn nhà, nuôi đàn gà, trồng mớ rau… Chứ kiếm được đồng tiền của thiên hạ cũng tốn nhiều mồ hôi, nước mắt lắm”, chị buồn bã cho biết.
Tác giả: Minh Anh- Diệu Bình
Nguồn tin: Báo VietNamNet