Trong nước

Nội lực nào để Kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc?

Nội lực của kinh tế Việt Nam là nông nghiệp

“Để phát huy nội lực, nền kinh tế Việt Nam cần phát huy hai mũi nhọn nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) .

Có lẽ chưa lúc nào vấn đề phát huy nội lực nền kinh tế Việt Nam giảm phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài lại được đặt ra nhiều trong một kỳ họp thường kỳ của Quốc hội như lúc này. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, quan hệ kinh tế trong nước và kinh tế nước ngoài bị ảnh hưởng.

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ của các nước trong việc hợp tác kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng phát triển. Vì vậy đặt vấn đề phát huy nội lực nền kinh tế là tập trung vào thế mạnh của kinh tế Việt Nam chưa được khai thác, còn nhiều tiềm năng, cùng với đó giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu với những hàng hóa Việt Nam sản xuất được.

Việt Nam phải chủ động phát huy nội lực kinh tế, giảm phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, trong đó có kinh tế Trung Quốc (ảnh minh họa)

Trên khía cạnh đó, phát huy nội lực kinh tế Việt Nam nên tập trung vào 2 mũi nhọn chính đó là nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.

“Dù hiện nay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân đang có những khó khăn nhưng đây là lực lượng xã hội có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tập trung vào đó sẽ giải quyết được việc làm, ổn định xã hội, khai thác được tiềm năng nội địa tạo ra nhiều hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm nêu vấn đề.

Theo đó, tập trung vào nông nghiệp nông thôn không chỉ là vấn đề phát huy nội lực kinh tế còn là chiến lược lâu dài nhất là khi Việt Nam là nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số. Trong nông nghiệp nông thôn, ông Kiêm cho rằng những vấn đề chính cần giải quyết trước mắt là giải quyết đầu ra cho nông sản và tinh chế từ hàng nông thô ra nông sản tinh, có hàm lượng chất xám cao.

Trong quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình biển Đông căng thẳng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với biện pháp hòa bình, giao thương kinh tế hai nước vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên một kịch bản được đưa ra: nếu Trung Quốc không nhập nông sản Việt Nam, chúng ta phải đối phó thế nào? Nên nhớ hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

“Để không phụ thuộc vào điều này, chúng ta cần tập trung vào khâu chế biến, nhằm nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu làm tốt vấn đề này sẽ giải quyết được thị trường đầu ra. Đầu ra hiện nay có nhiều nhưng do chúng ta không đáp ứng được yêu cầu chất lượng, mà vẫn chỉ là nông sản thô, đây là vấn đề cần giải quyết trước mắt”, ông Kiêm nói.

Trong khi đó với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân có 2 vấn đề lớn cần giải quyết. Thứ nhất là vốn, cần tạo điều kiện doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn dài hạn . Thứ hai hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao dây chuyền, nâng cao quy trình chế biến để doanh nghiệp tự tạo thị trường. Và cuối cùng giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ các nước đóng vai trò lớn trong nền kinh tế, cụ thể như Trung Quốc lượng hàng hóa xuất sang Việt Nam chủ yếu do doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân sản xuất, lực lượng sản xuất này mang lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Trung Quốc. Vì thế trong thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân” Ông Kiêm nêu ví dụ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Cũng liên quan đến vấn đề phát huy nội lực nền kinh tế Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương) cho rằng để phát huy nội lực kinh tế cần huy động sức mạnh kinh tế toàn dân, trong đó doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tàu. Với cương vị nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Nguyễn Văn Rinh cho rằng trong điều kiện đất nước hòa bình, bên cạnh huấn luyện chiến đầu tham gia sản xuất, tham gia làm kinh tế là nhiệm vụ của quân đội

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Rinh, những doanh nghiệp quốc phòng như Viettel có đóng góp rất lớn với kinh tế đất nước, đây là thế mạnh nội lực chúng ta sẵn có cần phải khai thác và phát huy.

Ở khía cạnh khác phát biểu trong kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) cho rằng các giải pháp kịp thời được Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương triển khai để ổn định sản xuất ngay sau khi xảy ra một số vụ việc liên quan đến diễu hành quá khích của công nhân lao động một số địa phương.

“Chúng ta đã tối thiểu hóa bất ổn, củng cố lòng tin của nhà đầu tư. Về định hướng, tôi tán thành với chủ trương duy trì môi trường hòa bình, ổn định, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Duy trì ổn định để bảo đảm quan hệ sản xuất giữa Việt Nam – Trung Quốc diễn ra bình thường, cũng như để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng tôi thấy, chúng ta cần có những phương án chủ động để chuẩn bị cho các tình huống và hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất, kinh doanh. Bởi một nguyên tắc trong kinh doanh là nếu chỉ có một thị trường tiêu thụ thì dễ bị ảnh hưởng từ những thay đổi của thị trường đó”, đại biểu Vũ Viết Ngoạn nói.

Theo ông Ngoạn điều chính yếu cần làm được trong thời gian tới là phải tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. Để thực hiện mục tiêu này, không có gì khác là phải tái cơ cấu. Bởi theo tính toán của các chuyên gia, năng suất lao động của nước ta trong thời gian tới phải tăng ít nhất 50%, một điều dường như không tưởng với khả năng của nước ta hiện nay, mới có thể bù đắp cho việc giảm vốn đầu tư.

Một đòi hỏi khác là tốc độ tăng trưởng phải đạt ít nhất 6,5%, thì mới có thể giải quyết công ăn, việc làm cho người đến độ tuổi lao động và đang trong độ tuổi lao động. Nếu kéo dài tình trạng tăng trưởng dưới 6,5% thì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu này cũng như giải quyết các công tác xã hội khác.

“Tuy nhiên nếu đẩy nhanh tăng trưởng bằng đầu tư thêm vốn thì sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Đây là thách thức lớn, nên không có cách nào khác là phải đẩy nhanh tái cơ cấu. Để đẩy nhanh tái cơ cấu, thì việc trước tiên phải làm là đổi mới thể chế” ông Ngoạn nêu giải pháp.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP