Hơn 4 năm qua, bà Nguyễn Thị Oanh (57 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) xem hành lang Bệnh viện (BV) Ung bướu TP HCM là nhà. Mỗi đợt hóa trị, bà phải ở lại BV dài ngày.
Mơ ước được sống
Bà Oanh kể khi biết bị ung thư vú, bà như chết lặng. Mỗi lần hóa trị là cơ thể bà quằn quại, đau đớn, không muốn ăn uống. Số tiền chi cho điều trị rất nhiều, mọi thứ ở thành phố đắt đỏ nên bà chọn ghế đá, hành lang BV làm nơi tá túc mỗi đêm để tiết kiệm chi phí. "Tôi thấy mình như bước vào cửa tử vì những người bị bệnh như tôi cứ lần lượt ra đi" - bà Oanh tâm sự.
Một bệnh nhân ung thư chấp nhận nằm hành lang bệnh viện để tiết kiệm chi tiêu trong quá trình chờ hóa trị Ảnh: PHẠM DŨNG |
Mang "mẫu số chung" là căn bệnh ung thư, những người xa lạ cùng đến BV điều trị rồi trở nên thân thiết. Họ chia nhau từng chai nước, hộp cơm từ thiện, giúp nhau vượt qua nỗi buồn bất tận trong những ngày dài đằng đẵng điều trị.
Bà Nguyễn Thị Kha (50 tuổi, quê Phú Yên) nhiều năm qua thường xuyên vào TP HCM điều trị ung thư cổ tử cung. Bà và bà Oanh thân thiết vì cùng xem hành lang BV Ung bướu là nhà.
Đôi mắt trũng sâu, bà Kha thổ lộ: "Hành trình điều trị ung thư đầy gian nan, khốc liệt. Đau đớn từ thể xác đến tinh thần, tổn hao tiền bạc. Tài sản cứ đội nón ra đi. Nhưng quan trọng là khi đến BV, tôi chứng kiến nhiều người còn khổ hơn mình, đau đớn hơn mình nên thôi kệ, sống ngày nào hay ngày đó".
Ngồi buồn dưới mái hiên BV, một phụ nữ quê tỉnh Đồng Tháp cho biết có lẽ ngày buồn và tồi tệ nhất là khi phát hiện mình ung thư buồng trứng. Nhà chỉ có 2 công đất, vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm nhưng không sinh con. Khi phát hiện ung thư, bà cảm thấy tuyệt vọng. Bà đến BV cùng người em, không tiền nên đành nương náu mái hiên, tán cây. Ban ngày, bà ngồi chờ mạnh thường quân mang cơm, đồ chay đến cho để sống qua ngày.
"Tôi mơ ước được sống. Tôi cần sống vì cuộc sống quá đẹp. Nhưng hết bệnh này tới bệnh kia, đôi khi tôi cảm thấy kiệt quệ sức lực. Đang điều trị ung thư buồng trứng thì tiếp tục viêm gan siêu vi B. Từ khuôn viên này ra cổng tôi đi không nổi, mỗi lần di chuyển phải khòm lưng mà muốn té lúc nào thì té. Sợ lắm..." - bà bày tỏ.
Nói về thông tin có thuốc ung thư giả, người phụ nữ này phẫn nộ: "Tại sao người ta có thể trục lợi trên thể xác người bệnh như vậy? Họ có biết chúng tôi khánh kiệt vì ung thư, đau đớn và mong được sống thêm ngày nào hay ngày đó? Chẳng may cộng đồng bị ung thư uống nhầm thuốc giả thì có phải đó là hành vi giết người không dao hay không? Mong nhà nước xử lý nghiêm những kẻ tiếp tay cho hành vi này".
Vô cùng hoang mang
Chị Phan Thị Thúy Hằng (40 tuổi, quê Tây Ninh) đã 3 năm nay đau đớn chống chọi với ung thư hạch và viêm gan. Năm 2015, chị khó thở rồi những khớp xương đau nhói, cổ nổi hạch to. Chị phải nhập viện, phẫu thuật và hóa trị để ngăn tế bào ung thư di căn. Tiền viện phí, thuốc men, đi lại trở thành gánh nặng và ám ảnh vợ chồng chị. Trước khi nhập viện, chị bán cóc ổi mỗi ngày lãi chưa tới 100.000 đồng, chồng làm thú y lương cũng không quá 2 triệu đồng/tháng. Cuộc sống đã khó, nay thêm căn bệnh ung thư khiến gia đình đảo lộn...
"Ung thư đã di căn khắp cơ thể. Những cơn đau cứ bất ngờ kéo đến, ăn không được, ngủ không được thì làm sao mà sống? Trong cơn đau đớn, tôi xem truyền hình thấy thuốc ung thư giả được nhập về Việt Nam nên hoang mang vô cùng. Hành vi buôn bán thuốc giả này là tội ác không gột rửa được" - chị tâm sự. Rồi chị sụt sùi nói về tương lai của 3 đứa con còn thơ dại: "Chúng còn quá nhỏ, tôi cứ mơ được sống đến ngày các con trưởng thành thì mới yên lòng ra đi. Bây giờ nợ nần chồng chất, vợ chồng thì đi BV suốt, mấy đứa nhỏ bơ vơ bảo ban nhau mà sống. Nhìn con, tôi cứ khóc...".
Cố gắng tin tưởng
Đa phần những người ở khu lưu trú của bệnh nhân ung thư tại BV K (cơ sở Tân Triều, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là ở các tỉnh xa về hoặc thu nhập thấp. Những ngày qua, nhiều người ở đây bày tỏ nỗi hoang mang bởi thông tin về phiên tòa xét xử lãnh đạo Công ty VN Pharma.
Ngày lễ, vì nhà xa và điều kiện khó khăn nên ông Trương Quốc Võ (ngụ Hà Tĩnh) ngồi thẫn thờ một mình trong căn phòng nhiều giường tại khu lưu trú. "Cách đây vài tháng, tôi phát hiện bệnh, phải xoay xở ra đây điều trị. Bệnh tình đã ở giai đoạn hiểm nghèo, phải đổ cháo qua ống thông ở bụng. Nghèo nên số tiền đổ vào điều trị là gánh nặng rất lớn đối với gia đình tôi. Những ngày gần đây, mọi người cứ xôn xao thông tin về thuốc ung thư thật giả lẫn lộn. Dường như ai cũng hoang mang, lo lắng" - ông trải lòng.
"Bình thường, mọi người nói chuyện cả ngày động viên nhau giữ tinh thần thoải mái để điều trị. Từ khi có thông tin về thuốc ung thư giả, mọi người khác hẳn nhưng cố gắng tin tưởng BV và nhà nước bởi không còn cách nào khác. Bây giờ, đến đâu hay đó" - ông Võ tâm sự.
Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau. Họ đến BV K không cùng quê, khác giọng nói nhưng ở cùng nhau lâu và đã thân nhau đến nỗi gọi đó là gia đình.
"Ngày lễ, nhiều người tranh thủ về quê, ở đây mỗi giường là 15.000 đồng/ngày, mọi người về đều không trả giường để khi quay lại được ở cùng nhau" - ông Lê Thành (ngụ tỉnh Hòa Bình), bệnh nhân đang điều trị ở BV K, cho biết. Theo ông, mong muốn lớn lao của bệnh nhân ở đây là được nhanh chóng điều trị, gặp đúng thầy, đúng thuốc để hy vọng hồi phục, trở lại với cuộc sống đời thường. Họ vẫn mong mỏi từng ngày trong đau đớn...
Gia đình kiệt quệ Mỗi năm, Việt Nam có 100.000 - 150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Như vậy, mỗi ngày, nước ta có khoảng 200 người chết vì ung thư. Một nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là BV Bạch Mai, BV K trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân khó khăn về kinh tế. Thậm chí, nhiều người bệnh kiệt quệ chỉ sau một thời gian ngắn. Trong đó, gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để giành giật sự sống, chiến đấu với bệnh tật, gần 67% bệnh nhân phải vay tiền, 22% phải bán tài sản… Phân tích về gánh nặng chi phí điều trị ung thư, PGS-TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư - BV K trung ương, cho biết trong chi phí trực tiếp của đợt điều trị hiện tại cho tất cả người bệnh ung thư, 48% chi phí từ hộ gia đình, 27% từ Chính phủ, 25% từ BHYT. Kể từ khi phát bệnh, gia đình bệnh nhân phải vay mượn bạn bè hay người thân (63,5%), sử dụng tiền tiết kiệm (27,2%), vay ngân hàng hay các tổ chức khác (19,9%), bán tài sản (13,7%)… Việc người bệnh phải gồng mình với những chi phí khi mắc bệnh ung thư, theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trung ương, là do phần lớn người bệnh khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn (khoảng 80%). Vì thế, chi phí điều trị lớn, hiệu quả điều trị thấp, dẫn đến tỉ lệ tử vong vẫn cao (trên 70%). N.DUNG |
Hãy cho chúng tôi niềm tin! Mới đây, chị Đồng Thị Luyện, Chủ nhiệm CLB Cuộc chiến ung thư, đã soạn tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các cấp có thẩm quyền yêu cầu tiếp tục vào cuộc vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả của Công ty CP VN Pharma. Thư viết: "Chúng tôi thay mặt cho CLB Cuộc chiến ung thư và hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư đang phải oằn mình chịu đựng những cơn đau, những vật vã của từng đợt hóa chất mà níu giữ từng giây phút sự sống gửi tới các vị tâm thư. Trong các vị đã từng có người thân bị ung thư chưa? Có chứng kiến cảnh người thân của mình đau đến tím tái cả người, dại cả mắt và không thể kiểm soát nổi cơn đau chưa? Có từng chứng kiến cảnh một người khụy xuống cầu xin bác sĩ hãy cố cứu họ, cho họ thêm một thời gian ngắn để họ nhìn thấy đứa con duy nhất bước chân vào giảng đường đại học rồi họ sẽ an lòng nhắm mắt chưa?... Có thấy được cảnh những bệnh nhân đã phải bán hết nhà cửa và những gì còn sót lại chỉ để cho người thân sống thêm một thời gian ngắn ngủi. Có từng chứng kiến người thân của mình trước khi từ giã cõi đời vẫn chảy dài nước mắt và cầu xin cho thêm thời gian để con họ cứng cáp chưa? Những nỗi đau không thể thốt lên lời và không thể viết thành văn... Nếu chứng kiến những cảnh như vậy, bọn bất nhân đó có dám làm không? Có dám đánh cắp cả niềm hy vọng cuối cùng của những con bệnh khốn khổ ấy không? Có ai trả lời giùm chúng tôi những câu hỏi đó không?... Chúng tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền điều tra thật rõ ràng và xử thật công bằng đúng người đúng tội, phải trả giá đúng những gì chúng đánh cắp của những người bệnh khốn khổ… Xin đừng ngụy biện và quanh co, xin đừng hướng dư luận sang một khía cạnh khác hòng xóa đi hành vi tiếp tay cho tội ác. Chúng tôi là những người bệnh đang khắc khoải sống đếm từng tháng, từng ngày và thậm chí từng giờ nếu dùng nhầm thứ thuốc giả đó chứ không phải núp bóng của một tổ chức phản động nào đó như lời bà bộ trưởng phát ngôn trên báo. Chúng tôi không bị kích động bởi một tổ chức nào mà bởi sự vô trách nhiệm, sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Hãy cho chúng tôi thấy sự công bằng của cán cân công lý. Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: Ung thư không phải là dấu chấm hết!". |
Tác giả: Phạm Dũng - Bạch Huy Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động