Khi người công nhân cuối cùng bị thương trong vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở Formosa vừa được xuất viện thì lại có thêm một công nhân khác tử vong.
Ngày 26/4, gia đình và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ mai táng cho anh Trần Hữu Dũng (26 tuổi, ngụ xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nạn nhân vừa tử vong trong vụ tai nạn lao động tại công trường Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Báo Thanh niên cho biết, theo trình bày của gia đình nạn nhân, chiều 25/4, anh Dũng đang làm việc trên giàn giáo của Công ty Posco 2 tại công trường Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì bất ngờ rơi từ trên cao xuống đất dẫn đến tử vong tại chỗ.
Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: “Lúc đầu, sau khi tai nạn lao động xảy ra, phía Công ty Posco 2 đã không trình báo cơ quan chức năng mà định giấu luôn vụ việc nhưng không được”.
Vậy là tính đến thời điểm này, đã có 17 mạng người bị tước đoạt bởi những tai nạn trên công trường Formosa.
Trước đó, ngày 27/7/2014, tại công trình xây dựng bể chứa nước thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh đã xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến hai người chết, ba người nguy kịch.
Ngày 19/1/2015, trong lúc đang thi công tại công trường của Công ty Posco 2, cầu thang lên xuống của đường băng tải chuyền bị sập khiến 1 công nhân tử vong tại chỗ, 1 công nhân khác bị thương nặng.
Kinh hoàng nhất là vụ tai nạn vào 20 giờ ngày 25/3/2015, tại khu vực cầu cảng Sơn Dương, một giàn giáo nặng hàng ngàn tấn đột nhiên đỗ sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương.
Chỉ trong vòng 10 tháng, đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại dự án Formosa cướp đi sinh mạng của 17 công nhân, cùng hàng chục người khác bị thương.
Đám tang của một nạn nhân bị tử vong do tai nạn trên công trường Formosa. Ảnh: Báo Thanh Niên. |
Những con số thống kê người thương vong khiến chúng ta lạnh người và đau xót. Tại sao một công trình lớn như Formosa lại liên tục xảy ra những tai nạn đau lòng như vậy?
Trách nhiệm của Hà Tĩnh với vấn đề an toàn lao động ở công trường này ra sao mà liên tục để tai nạn xảy ra? Có người đã đau xót nói: “Mạng người ở đây quá rẻ”.
Những nạn nhân đáng thương dù mang tiếng là “công nhân” nhưng chỉ là những người nông dân nghèo bước ra từ đồng ruộng, mang theo một món nợ lớn và gánh nặng gia đình, cha già vợ dại con thơ phía sau.
Họ đi vào công trường để bán sức lao động, kiến thức không có, và dường như cũng không ai yêu cầu họ phải được trang bị những kiến thức tối thiểu về an toàn lao động? Họ đội lên đầu một chiếc mũ bảo hiểm bằng nhựa, thế là thành công nhân.
Mỗi lần tai nạn xảy ra là mỗi lần báo chí than khóc cho các nạn nhân, khóc cho những người mẹ bạc mặt vì nỗi đau, những người vợ khóc ngất vì mất chồng, cho những đứa bé thơ còn chưa hiểu mất bố là thế nào.
Nhưng than khóc thế thôi, rồi tai nạn cũng vẫn xảy ra, bởi chẳng có ai phải chịu trách nhiệm đến cùng với những tai nạn kinh hoàng ấy. Đã nhiều lần rồi, cứ sau tai nạn là những người có trách nhiệm lại lên TV, nói dăm câu ba điều về sự thiếu an toàn của công trường, thiếu kiến thức an toàn lao động của công nhân. Và dường như thế là họ đã hoàn thành trách nhiệm.
Chỉ có nỗi đau là mãi mãi còn lại với các gia đình nạn nhân. Một khoản tiền đền bù là vô nghĩa với những bi kịch mà họ phải gánh chịu, nhưng cái nghèo dường như đã khiến họ chấp nhận sự an bài của số phận.
Một công trường liên tục xảy ra tai nạn nghiêm trọng, cướp đi 17 mạng người, nhưng chẳng có gì ngoài một vài buổi họp rút kinh nghiệm. Xin được hỏi, có kinh nghiệm nào được rút ra từ những mạng người?
Chúng ta thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng lợi thế là nguồn nhân công giá rẻ. Nhưng giờ đây, liệu có phải đã đến lúc chúng ta phải đau đớn thốt lên rằng, tính mạng công nhân của chúng ta cũng rẻ nữa hay chưa?
- Mi An