Nghi Xuân

Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam (kỳ 7)

Sau loạt bài điều tra của PV về tình trạng tiêu cực nghiêm trọng và kéo dài trong quản lý đất đai, tài chính, xây dựng… tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), người dân đã liên hệ với PV phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, cho thấy còn nhiều “mảng tối” ở địa phương này chưa được làm rõ.

Ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện (bên trái) : "Khi có kết quả thanh tra chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm"
Ông Nguyễn Hiền Lương – Chủ tịch UBND huyện (bên trái) : “Khi có kết quả thanh tra chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm”

Thu hồi đất bằng lệnh… miệng
Bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi) ở thôn Ngư Tịnh là vợ liệt sỹ Trần Văn Cướng (hi sinh năm 1968). Chồng hi sinh năm 24 tuổi, để lại 4 người con, bà Phương không đi bước nữa, chịu đựng gian khổ nuôi con. Năm 2002, bà được UBND xã Cương Gián bán cho một mảnh đất 250m2 tại nghĩa địa Lu Cụ (thôn Nam Mới) với giá 5 triệu đồng. Cán bộ xã chỉ vị trí đất và bà đã cắm mốc bốn phía. Năm 2003, ông Lê Duy Vượng – cán bộ địa chính xã, tuyên bố “thu hồi” đất của bà để làm trường mầm non thôn nhưng không hề hỏi ý kiến của bà. Nói là “thu hồi” đất nhưng không có văn bản mà chỉ có “quyết định mồm” của ông Lê Duy Vượng.
Biên lai nộp tiền mua đất của bà Nguyễn Thị Phương

Có thể nói đây là một “sáng tạo” kỳ quặc của UBND xã Cương Gián, tự ý thu hồi đất của đối tượng gia đình chính sách không có quyết định, không đúng thẩm quyền, nhưng không được dân đồng ý và không bồi thường.Thế là bà Phương mất đất! Đã gần 10 năm nay, bà ôm đơn đi đòi lại mảnh đất mình đã mua, bị thu hồi bằng lệnh miệng của cán bộ địa chính xã, nhưng hết đến xã rồi lại lên huyện, vẫn không được giải quyết. Có lần lên khiếu nại tại UBND xã, bà Phương còn bị ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Cương Gián, mắng là “ngoa mồm”.
Mảnh đất bà Nguyễn Thị Phương đã mua và bị “thu hồi”, nay vẫn còn để hoang
Bà Phương đành ở nhờ nhà của con. Bà muốn làm nhà riêng để thờ cúng người chồng liệt sỹ nhưng không được, dù mảnh đất bà mua và bị “thu hồi” vẫn còn để đó, còn cái “trường Mầm non” kia vẫn chưa hề được xây dựng.

9 năm, nộp tiền 3 lần, 308 hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Ông Phạm Lợi, thôn Nam Mới có đơn tố cáo: từ năm 2003 đến nay gia đình ông và hơn 300 hộ dân (tổng cộng 308 hộ) thôn Nam Mới đã nộp tiền mua đất và nộp đầy đủ các khoản lệ phí theo yêu cầu của UBND xã nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
308 hộ dân đã nộp 3 lần tiền. Lần thứ nhất nộp 10.000 đồng/hộ, lần thứ 2 nộp 30.000 đồng/hộ, lần thứ 3 nộp 95.000 đồng/hộ. Nộp tiền, cán bộ về đo đạc xong, người dân nghĩ sẽ được cấp sổ đỏ, nhưng đã 9 năm trôi qua, cái mà họ nhận được chỉ là “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới kiêm hồ sơ kỹ thuật thửa đất” có chữ kí, đóng dấu của chủ tịch UBND xã.
Sau 9 năm, nộp 3 lần tiền, 308 hộ dân thôn Nam Mới chỉ nhận được mảnh giấy này
Không có sổ đỏ, người dân không thể thế chấp vay ngân hàng đi xuất khẩu lao động hay làm vốn sản xuất, kinh doanh. Các hộ dân thôn Nam Mới lo lắng không biết đến bao giờ và phải nộp thêm mấy lần tiền nữa mới được cấp sổ đỏ?
Trong khi đó, đất của cán bộ, đất bán sai đối tượng lại được cấp sổ đỏ một cách “siêu tốc”. Cụ thể 4 mảnh đất mà UBND xã Cương Gián mượn tên 4 hộ Nguyễn Văn Liêm, Hồ Văn Thanh, Nguyễn Công Sáng và Nguyễn Văn Vượng để “cướp” đất thì được làm sổ đỏ ngay và đã bán để lấy tiền chia chác. Đến nay, mặc dù UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, song 4 mảnh đất này vẫn chưa được UBND huyện Nghi Xuân thu hồi. (còn tiếp)

Quang Đại  – Hà Vy/Tamnhin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP