Vá màng trinh để “khâu lại cuộc đời”
Gắn bó với lĩnh vực sản phụ khoa gần 40 năm trời nhưng Bác sỹ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn không khỏi rầu lòng và xót xa cho những cảnh đời ngang trái mà mình đã nghe, tận mắt chứng kiến tại phòng khám của mình.
…Day dứt và để lại nhiều ấn tượng nhất đối với bà có lẽ là trường hợp của cô gái tên H (20 tuổi) quê ở một huyện nghèo nhất tỉnh Phú Thọ. Đó là một chiều cuối đông năm 2011, một cô gái gầy gò, nhỏ bé và ốm yếu thẽ thọt đến bấm chuông phòng khám tư gia của bà. Chưa kịp nói lời nào, cô đã bật khóc. Phải động viên và dỗ dành mãi, cô bé mới chia sẻ, bố mất sớm, hai mẹ con cô chỉ còn biết trông vào mảnh ruộng nhỏ. Đã thế, mẹ cô còn bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo mấy năm nay.
Cô đã quyết định bán đi “cái quý giá nhất của đời người con gái” để lấy tiền cho mẹ chữa bệnh, khi mà chỉ mấy tháng nữa thôi cô sẽ bước chân về nhà chồng. Điều cô đau khổ và lo sợ chồng và nhà chồng sẽ phát hiện ra sự thật này. Đang trong lúc tưởng chừng không có lối thoát ấy, cô đọc được dòng tin trên mạng nên đã bắt xe lên đây xin bác sỹ thực hiện phẫu thuật miễn phí cho mình, vì cô không thể bỏ ra gần chục triệu đồng cho thủ thuật này. “Với cảm nhận của một bác sỹ lâu năm trong nghề, tôi đã làm miễn phí cho cô ấy, mà không đòi hỏi giấy tờ gì cả…” – bà Dung cho hay.
Một trường hợp nữa, bằng lương tâm và trách nhiệm của một con người, Bác sỹ Kim Dung cũng quyết định không lấy tiền phẫu thuật, đó là cảnh ngộ của cô bé T mới 16 tuổi ở Nghệ An. Cô bé cũng đến với phòng khám của bà Dung trong tình trạng xanh xao, buồn bã, thậm chí là vô cảm và bị khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng.
Theo lời kể của người mẹ, con của bà bị người chú vô lương tâm cưỡng hiếp cách đây khoảng 10 tháng. Gần một năm trời trôi qua vậy mà em vẫn bị “sốc” và trong trạng thái “nửa tỉnh, nửa mê”. Với hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, bà cầu cứu bác sỹ thương tình phẫu thuật miễn phí cho con bà, để em lấy lại tinh thần sống tiếp.
Ngoài hai trường hợp kể trên. Câu chuyện cuộc đời của cô gái T.H (28 tuổi) ở Đà Nẵng cũng rất đáng thương. Theo lời tâm sự qua điện thoại của cô, lúc 3-4 tuổi, cô đã bị một gã hàng xóm hơn cô 5 tuổi hãm hại. Khi ấy, còn quá nhỏ nên cô không lo lắng gì. Đến tuổi cập kê, cô gặp một người yêu cô say đắm và cô đã quyết định trao thân cho anh ta. Nhưng trong lần “quan hệ” đầu tiên của cuộc đời với người mình yêu, cô hoang mang, lo sợ và thấy “ghê tởm bản thân” vì không thấy được “giọt máu” thanh tân của người con gái.
Cũng sau lần đó, hình ảnh lần bị xâm hại tình dục hiện lên rõ mồn một trong cô, khiến cô thấy khinh ghét bản thân và có lỗi với người yêu mình. Nỗi dày vò này khiến cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ, thậm chí luôn trong trạng thái trầm cảm. Vì vậy, hay tin một phòng khám tiến hành phẫu thuật vá màng trinh miễn phí cho các đối tượng bị xâm hại tình dục, cô vội vã liên hệ. Nhưng, khi đã được bác sỹ nhận lời phẫu thuật miễn phí, cô lại lo lắng vì không biết kiếm đâu ra tiền để hành trình ra Bắc phẫu thuật…
Bao lo lắng vì cái màng con con
Cùng với những nỗi niềm đong đầy nước mắt, bà Dung cũng ngạc nhiên và ngỡ ngàng đến cực độ trước những gì mình “mắt thấy tai nghe”. Điển hình phải kể đến trường hợp của cô gái tên V. ở ngoại thành Hà Nội. Không thủ cựu đến mức phải giữ gìn trinh tiết đến ngày tân hôn nhưng V. cực liệt phản đối việc bị người yêu “phá trinh” khi mà cô chưa sẵn sàng trao thân. Để thể hiện quan điểm của mình trong chuyện này, cô đã bắt anh chàng người yêu – người mà chỉ hơn tháng nữa thôi sẽ là chồng cô phải… đưa đi vá màng trinh(!).
Thế nên bác sỹ Dung và các nhân viên của mình mới được cười một trận vỡ bụng vì tình huống đó. “Song ngẫm lại, cũng thấy cô gái này rất can trường và bản lĩnh” – bà Dung nhận xét. Sau khi được bà phẫu thuật, gần một tháng sau đó, cô đã gọi điện thoại cho bà thông báo họ đã cưới nhau, kèm lời cám ơn rất thực lòng: “Cám ơn vì bác đã cứu vớt tình yêu cho chúng cháu…”.
Nực cười và đáng chỉ trích nhất vẫn là tình huống của một cặp đôi ở TP. Thanh Hóa – bác sỹ Dung khẳng định. Theo lời kể của bà Dung, hai người này yêu nhau đã lâu và đã sống chung trong suốt thời gian đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Sau khi về Việt Nam, họ quyết định kết hôn với nhau. Nghe lời đề nghị của họ, bà Dung và các đồng nghiệp cười rũ ra không tin ở tai mình nên hỏi lại: “Đã yêu nhau như thế và chuẩn bị cưới hỏi, vậy còn chứng minh nỗi gì?”.
Thậm chí, sau khi nghe lời giãi bày của họ rằng, sợ bị mẹ chồng theo dõi và phát hiện không còn trinh tiết nữa sẽ dằn vặt và hành hạ nên chị phải đi “vá trinh” (theo lời kể của chị dâu chồng, mẹ chồng chị rất khó tính và cổ hủ, để chứng minh sự trinh tiết của mình, bà bắt các con dâu phải trải tấm khăn trắng ở trên giường để xem giọt hồng trinh nguyên có thấm ra đó không, thậm chí để chắc ăn và không bị họ lừa, bà còn theo dõi cả quá trình họ “ái ân” với nhau), bà vẫn hỏi: “Không còn cách nào khác à, mà phải làm như thế?”…
Tuy vẫn làm phẫu thuật cho cô gái nhưng bà Dung cũng không khỏi buồn khi chứng kiến hoàn cảnh trên. Buồn về sự thiếu hiểu biết và cổ hủ, lạc hậu và ghê gớm của bà mẹ đã đành. Bà càng buồn hơn trước tình trạng những người có trình độ, sự hiểu biết, lại tiếp xúc với nèn văn hóa hiện đại của phương Tây rồi mà vẫn hành xử như vậy. Thực tế đó cũng đưa đến cho bà một nhận định: Quan niệm về chữ trinh của người Việt Nam còn quá ư nặng nề.
Chỉ vì một cái màng cỏn con mà mang đến bao điều lo lắng cho người phụ nữ… Và, bà đặt ra giả thiết: “Nếu người con gái đó có đủ tự tin và nhận thức, họ sẽ không cần đến sự trợ giúp của chiếc màng trinh giả… Nhưng, trên đời này có phải người phụ nữ nào cũng có đủ dũng khí và tự tin như thế!” – bà chép miệng thở dài…
Hồng Trà
PLVN