Phẫu thuật nâng ngực dưới góc nhìn khoa học
Phẫu thuật nâng ngực là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, cho phép tái tạo hoặc thay đổi kích thước, hình dạng ngực, dẫn tới thay đổi cấu trúc bộ ngực của phụ nữ. Ban đầu bác sĩ nâng ngực để tái tạo vòng một cho phụ nữ sau phẫu thuật ung thư, sửa chữa các khiếm khuyết trên ngực phụ nữ do bẩm sinh hoặc do tai nạn.
Tuy nhiên, nữ giới ngày càng chuộng phẫu thuật nâng ngực vì họ hy vọng nó sẽ cải thiện kích thước vòng một, làm tăng sự nóng bỏng và quyến rũ. Hàng loạt phương pháp nâng ngực thế hệ mới cũng ra đời, phát triển nhằm phục vụ mục đích làm đẹp của phụ nữ trên toàn thế giới.
Phụ nữ hy vọng phẫu thuật nâng ngực sẽ giúp họ trở nên quyến rũ hơn. Ảnh: wordpress.com.
Chúng ta có thể chia nâng ngực thành 3 loại khác nhau – bao gồm sử dụng mô cấy ngực, cấy các túi đệm chứa nước muối vô trùng hoặc cấy túi đệm ngực bằng silicone. Ngoài ra, các bác sĩ còn dùng chính các mô mỡ từ cơ thể người nâng ngực để sửa chữa các khiếm khuyết trên bầu ngực. Hiện tại, nâng ngực bằng túi độn silicone đang là biện pháp thông dụng và phổ biến nhất.
Tính tới thời điểm hiện tại, các túi nâng ngực silicone đã trải qua 5 thế hệ. Ở thời kỳ ban đầu, năm 1963, người ta chế tạo túi nâng ngực bằng cao su và để gel silicone bên trong. Thế hệ túi nâng ngực thứ hai ra đời vào những năm 1970 và gồm hai loại, có thể tạo hình phù hợp với yêu cầu của người phẫu thuật. Tuy nhiên, túi nâng ngực loại này thường rò rỉ hoặc vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người sử dụng.
Các loại túi silicone được sử dụng để nâng ngực. Ảnh: blogspot.com.
Ở thế hệ thứ ba và thứ tư, công nghệ sản xuất túi nâng ngực gặt hái nhiều thành quả, giúp tạo ra các vỏ bọc đàn hồi tốt, giảm thiểu khả năng rò rỉ dung dịch silicone. Thế hệ thứ năm của túi nâng ngực ra đời vào những năm 90. Ở thế hệ này, gel silicone gần như ở thể rắn, giúp loại bỏ nguy cơ gây rò rỉ.
Phụ nữ nâng ngực vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ nhưng sự thay đổi cấu tạo ngực có thể gây khó khăn cho trẻ trong quá trình bú. Các nhà khoa học cảnh báo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định nâng ngực. Ngoài ra, họ cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ đối với các dây thần kinh từ việc nâng ngực.
Ẩn họa khôn lường từ những ca phẫu thuật nâng ngực
Một nghiên cứu về sự liên quan giữa tỷ lệ tự tử và các nguyên nhân khác dẫn tới cái chết của phụ nữ với phẫu thuật nâng ngực năm 2007 cho thấy, phụ nữ từng nâng ngực có nguy cơ tự tử cao gấp ba lần những người phụ nữ bình thường. Tỷ lệ này không đổi trong 10 năm đầu tiên nhưng sẽ tăng lên tới 4,5 lần ở năm thứ 11. Bước sang năm thứ 20, tỷ lệ tăng lên tới 6 lần so với những người phụ nữ khác. Cũng theo nghiên cứu, nguy cơ chết vì lạm dụng rượu và ma túy của phụ nữ từng nâng ngực cao gấp ba lần so với người không nâng ngực.
Vị trí đặt túi nâng ngực. Ảnh: blogspot.com.
Ngoài ra, đối với những phụ nữ sử dụng túi nâng ngực thế hệ cũ, hiện tượng rò rỉ silicone có thể xảy ra, gây hại cho sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Chẳng hạn, nó có thể khiến họ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, những người sử dụng túi nâng ngực thế hệ sau cũng chẳng thể yên tâm hơn do người ta nghi các sản phẩm của PIP, công ty sản xuất túi nâng ngực lớn thứ ba thế giới, chứa chất gây ung thư. Các nước đã cấm bán túi nâng ngực của PIP vào năm 2010.
Bê bối của PIP khiến hàng chục ngàn phụ nữ châu Âu phải sống trong lo lắng và sợ hãi. Thậm chí, chính phủ Pháp còn khuyến cáo hơn 30.000 phụ nữ sử dụng loại túi nâng ngực này nên phẫu thuật để gỡ bỏ chúng. Tính đến cuối năm 2011, giới truyền thông đã đưa tin về 8 ca ung thư, chủ yếu là ung thư vú,, buộc chính phủ Pháp và các nước châu Âu phải cảnh báo dư luận.
Ở các quốc gia đang hoặc chậm phát triển, số lượng phụ nữ muốn phẫu thuật nâng ngực cũng khá lớn. Nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra do hạn chế về công nghệ cùng với sự buông lỏng quản lý chất lượng các loại túi nâng ngực. Ngay tại Việt Nam, rất nhiều phụ nữ tử vong hoặc mang thương tật suốt đời do phẫu thuật nâng ngực tại các cơ sở y tế không đảm bảo, để lại nỗi đau cho bản thân và gia đình.
Theo Tri Thức