Giữa những con phố tấp nập của Hà Nội, chúng tôi tìm về căn biệt thự số 47 Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Căn biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng bên ngoài vẫn còn bề thế và mang kiến trúc độc đáo cổ xưa.
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1985) - một người dân từng sống trên tầng 2, cho biết, anh đã sống trong căn biệt thự cổ này gần 30 năm. Trong ký ức của anh, ngôi biệt thự là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ và yên bình nhất của tuổi thơ.
“Tôi nhớ, biệt thự này được xây từ thời Pháp thuộc. Sau đó bà trẻ tôi được phân căn hộ 40m2 nhưng không ở nên nhượng lại cho bố mẹ tôi”, anh Hòa chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn H, một người dân sống trong ngôi biệt thự cổ số 47 Trần Quốc Toản. Ảnh Thanh Hải. |
Dẫn chúng tôi vào thăm quan nhà, anh Hòa bảo: “Từ khi dọn đến đây, chúng tôi đã hạn chế mua đồ trừ những vật dụng cần thiết. Quan trọng hơn, nhà ai cũng phải cải tạo làm thêm gác xép”.
Chỉ về một căn hộ phía đối diện, người đàn ông này cho hay, đây là nơi anh thuê lại để kinh doanh buôn bán. Anh Hòa kể, cách đây gần 4 năm, vì nhà quá chật, lại bất tiện nên anh lập gia đình và quyết định chuyển ra ngoài sinh sống. Vì vậy trong căn hộ này, chỉ còn lại bố mẹ và gia đình anh trai anh ở.
Vừa trò chuyện, anh Hòa vừa hỏi han việc chúng tôi có bị đau đầu, ù tai khi bước vào căn nhà hay không. Theo anh Hòa, căn biệt thự đã bị nghiêng 5 độ kể từ khi anh chuyển về.
"Bạn tôi đến đây có nhiều người kêu choáng váng và đau đầu vì căn nhà bị nghiêng. Tuy nhiên những người như tôi ở đây lâu rồi nên cũng quen", anh Hòa tâm sự.
Bà M, người dân sống ở một phòng khác của ngôi biệt thự, cũng cho biết, gia đình bà chuyển đến đây từ năm 1967. Lúc đó căn nhà đã nghiêng sẵn.
Bà kể, ngôi nhà được thiết kế rất đẹp, hoành tráng và là niềm ao ước của rất nhiều người. Tuy nhiên diện tích các phòng không đều nhau. Gia đình bà sở hữu căn phòng vỏn vẹn 12m2 vì vậy việc sinh hoạt vô cùng bất tiện.
Chiếc bếp sưởi cũ được các hộ dân tận dụng vào những mục đích khác nhau. Ảnh: Minh Anh |
“Khi mới vào sinh sống trong căn hộ này, điều tôi sợ nhất là cảnh không có bếp nấu mà chỉ có một chiếc lò sưởi cũ ở góc nhà. Vì vậy để nấu ăn được, tôi phải đặt tạm chiếc bếp nhỏ trong lò sưởi cũ ấy.
Khi nấu, tôi nhớ chỉ cho đũa vào đảo chứ không nhìn thấy thức ăn trong nồi. Tôi cứ xào nấu thức ăn theo thói quen rồi đoán mò xem thức ăn đã chín hay chưa để bê ra”, bà M nói.
Theo bà M, cầu thang trong biệt thự được làm bằng gỗ nên khi sống trong ngôi nhà này, mọi người đều phải học cách đi lại nhẹ nhàng.
“Nếu đi giày phát tiếng động to thì về đến chân cầu thang là chúng tôi phải bỏ giày, dép ra xách tay. Nếu không sẽ có người lớn tiếng mắng mỏ. Mình chịu nhịn thì ấm ức, còn cãi lại thì mất tình làng nghĩa xóm”.
Hiện nay, ngôi biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên bà M cho biết, vẫn còn 15 hộ sinh sống trong ngôi nhà này. Bà M lý giải, cuộc sống ở đây tuy chật chội và ngột ngạt nhưng cũng là nơi có thể buôn bán. Vì thế nhiều hộ dân đã đến đây thuê nhà và kinh doanh.
“Nơi đây, gần trung tâm nên các dịch vụ phát triển, việc mua bán cũng thuận tiện. Vì vậy chỉ một vài mét đất cũng giúp họ kiếm ra tiền”, bà M nói.
Cầu thang bằng gỗ trong ngôi biệt thự cổ |
Đồng quan điểm với bà M, chị N, một người dân sống ở khu biệt thự cạnh đó, cũng cho rằng ở đây việc buôn bán có thuận lợi. Tuy nhiên, vì chật chội nhiều người lại thiếu ý thức khiến hàng xóm bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Căn biệt thự nơi tôi ở đã xuống cấp trầm trọng nhưng nhiều người ở tầng 1 vẫn tận dụng để buôn bán, kinh doanh. Có người bán hàng ăn, có người bán hàng ngay giữa lối đi lại gây ra cảnh nhếch nhác và bất tiện.
Nhà tôi ở tầng 1, bên cạnh là một căn hộ nhưng đã được tận dụng làm quán ăn. Vì thế tôi thường xuyên bị đau đầu vì khách đến ăn nhậu, cười nói cả ngày lẫn đêm”, chị N bức xúc nói.
Chị N kể tiếp: “Hãi hùng hơn là cảnh một số người vào quán ăn nhậu nhưng sau đó tranh cãi rồi đánh nhau”.
Vụ việc đỉnh điểm chị N nhớ nhất là lần mấy gã thanh niên bặm trợn vào quán ăn này rồi sinh sự với một nhóm khác. Khi không thể kiềm chế, họ lao vào đánh nhau.
“Cả ngôi biệt thự đang yên ả bỗng chốc trở nên ồn ào, riêng quán ăn thì trở nên ngổn ngang.
Sau vụ đó, chúng tôi phải họp bàn và yêu cầu hộ kinh doanh kia phải có phương án đảm bảo an toàn, vệ sinh, trật tự, tránh ảnh hưởng đến những hộ dân sống trong khu nhà”, chị N kể.
Theo chị N, hiện nay, tình trạng cãi cọ, xô xát nhau đã không còn. Thay vào đó, những người dân nơi đây đã sống có trách nhiệm, ý thức hơn để bảo vệ ngôi nhà chung của mình.
Tác giả: Thanh Hải - Minh Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet