Dưới bàn tay của "thầy phù thủy" Park Hang Seo, hơn một năm qua, đội tuyển Việt Nam đã đi từ thành công này đến thành công khác. Từ chiếc huy chương bạc U23 châu Á 2018, lọt vào nhóm "tứ đại anh hào" tại ASIAD 18 đến ngôi vương tại AFF Cup 2018 và có một giải đấu thành công ngoài sức mong đợi tại AFC Cup 2019 khi lọt vào tứ kết.
Đánh giá cao thành công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, những thành công ấy đến từ chính "tinh thần Park Hang Seo", mà trước hết là sự tận tụy, trách nhiệm của ông sau khi trở thành huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam.
"Ông Park xác định phải hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất nên trên tinh thần đó, ông rất tôn trọng, quý mến các cầu thủ, đồng thời cũng rất công bằng trong việc đối xử với họ. Chính lòng thương yêu của ông dành cho các cầu thủ giống như cha dành cho con nên ngược lại, các cầu thủ cũng quý mến, coi ông như cha, tuân thủ các chỉ đạo của vị huấn luyện viên từ nhỏ tới lớn", GS.TSKH Phạm Phố nhận xét.
Đánh giá sự tận tâm chính là điều đẹp nhất trong tinh thần Park Hang Seo, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, những người làm trong ngành giáo dục Việt Nam, từ người lãnh đạo đến người thầy, cần học hỏi điều này.
Theo đó, những người làm trong ngành giáo dục phải làm sao chăm lo cho nền giáo dục nước nhà với tinh thần hết sức tận tụy, tôn trọng những người trong ngành và cả các học sinh, có như vậy mới tạo nên tình đoàn kết để đưa nền giáo dục Việt Nam đi lên.
"Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tổ chức trong ngành giáo dục có phần lộn xộn. Có tình trạng cấp dưới không phục cấp trên, ngược lại cấp trên không tin tưởng cấp dưới. Không ít người vẫn đặt câu hỏi: liệu những người giữ vai trò quản lý đã thực sự quan tâm đến nền giáo dục một cách sâu rộng, biết đi sâu vào chiến lược để cải cách nền giáo dục một cách tốt nhất hay chỉ nhằm vào một số thứ để phô trương?
Trong lúc ông Park Hang Seo tìm ra những biện pháp tốt nhất để đưa đội bóng đá Việt Nam đi lên thì những người quản lý ngành giáo dục đã làm được điều ấy hay chưa? Yêu cầu đối với người lãnh đạo là phải có khả năng đoàn kết, tránh chuyện nghi kỵ trên dưới làm mất đi sức mạnh, giáo dục Việt Nam đã làm được chưa? Chưa kể, đường lối giáo dục hiện nay vẫn còn chưa xác định được rõ ràng", GS.TSKH Phạm Phố nói thẳng.
HLV Park Hang Seo chơi bóng ma với các cầu thủ. Ảnh: Zing |
Nhắc lại năm 2018, vị chuyên gia đánh giá đây là năm khủng hoảng của ngành giáo dục. Chưa bao giờ ông thấy ngành giáo dục có nhiều nỗi buồn đến thế, từ gian lận thi cử đến chuyện đạo đức của người thầy như vụ 231 cái tát ở Quảng Bình, nghi vấn hiệu trưởng dâm ô với học trò ở Phú Thọ... Những chuyện buồn ấy báo động năng lực, uy tín, đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục và người thầy là chưa đủ.
Điểm chung của những vụ việc này, theo GS.TSKH Phạm Phố, là dường như cả giáo viên và người quản lý đều né tránh, không dám đối diện với câu chuyện và bối rối trong cách giải quyết vấn đề.
"Những chuyện buồn của ngành giáo dục trong năm qua, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu. Dư luận đặt câu hỏi, người đứng đầu đã làm tròn vai hay chưa? Ngành xảy ra nhiều sai sót, nhưng vấn đề chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào vẫn gây bàn cãi.
Nhiều sự việc cho thấy từ trên xuống dưới cứ lờ đi, để sự việc trôi qua. Mặt khác, khi xảy ra chuyện, giám đốc Sở GD phải chịu trách nhiệm. Trong nhà trường, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm và xảy ra chuyện thì phải xử lý hiệu trưởng. Khi trách nhiệm không đến nơi đến chốn, năng lực, uy tín cán bộ không đủ, thì cuối cùng lại "hòa cả làng".
Điều đáng lo ngại hơn, khi xuống cấp về giáo dục thì tất yếu sẽ dẫn đến xuống cấp về đạo đức", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.
Từ những phân tích ở trên, ông cho rằng, để giải quyết thực trạng này thì trong tất cả các khâu, đòi hỏi giáo viên đến cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục phải có đạo đức, sự nghiêm túc cũng như năng lực.
"Người thi tuyển vào ngành sư phạm phải là người giỏi, có như vậy mới dạy được người khác. Người làm thầy cũng phải có đạo đức, bởi nếu không thì không thể làm gương cho học trò.
Tôi muốn lấy hai trường hợp trong bóng đá làm ví dụ: Huấn luyện viên Park Hang Seo, như đã nói ở trên, rất thương yêu các cầu thủ, ông coi họ như con và đối xử bình đẳng, ai có tài thì phát triển lên, ai chưa đủ tài thì nuôi dưỡng, bồi đắp. Bản thân ông là người có trách nhiệm, có năng lực, có uy tín. Nhờ vậy, các cầu thủ cũng thương yêu vị huấn luyện viên, làm theo những lời chỉ đạo của ông và phấn đấu hết mình.
Trường hợp khác, ông Jose Mourinho khi còn là huấn luyện viên của đội Manchester United phân biệt đối xử đối với cầu thủ Paul Pogba, thường xuyên cho anh này ngồi ghế dự bị. Sau khi Mourinho bị sa thải, Ole Gunnar Solskjaer làm huấn luyện viên tạm quyền đã cho Pogba ra sân và anh thi đấu thăng hoa.
Như vậy, người làm huấn luyện viên không thể chỉ nắm quyền rồi chèn ép người dưới, bắt họ phải nghe mình. Cũng những cầu thủ đó nhưng khi được đối xử bình đẳng, họ sẽ có tinh thần thoải mái, thi đấu thắng liên tiếp", GS Phố kể.
Ông khẳng định, áp dụng "tinh thần Park Hang Seo" vào ngành giáo dục không hề khó. Điều cần làm trước tiên là bản thân người đứng đầu phải gương mẫu, có năng lực, uy tín, hết mình vì sự nghiệp chung và đối xử bình đẳng với mọi người.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất Việt