Thí sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm học 2016-2017 (khai mạc ngày 6/3)
Trong những điều cần biết về tuyển sinh công an nhân dân năm 2017 vừa được công bố, năm nay, các trường thuộc Bộ Công an tiếp tục không tuyển thẳng những thí sinh được giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2017. Đối tượng được tuyển thẳng là những học sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế các môn. Trong đó, riêng môn Toán, thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế được tuyển thẳng vào tất cả các trường công an nhân dân. Các môn khác sẽ chỉ được tuyển thẳng nhưng có chọn lọc các ngành.
Năm nay, với thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khi xét tuyển vào trường công an nhân dân chỉ được cộng điểm thưởng với mức điểm giải nhất được cộng 2 điểm, giải nhì cộng 1.5 điểm và giải ba được cộng 1 điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng vừa công bố quy định tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh năm 2017. So với năm 2016, “cửa” tuyển thẳng của những thí sinh đạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế cũng hẹp hơn. Trường chỉ tuyển thẳng những thí sinh trong đội tuyển tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (đã tốt nghiệp THPT); thí sinh đoạt giải nhất trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia vào một ngành trong tất cả các nhóm ngành, ngoại trừ các nhóm ngành TA1 và TA2 (Ngôn ngữ Anh). Ngành được tuyển thẳng do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi của thí sinh.
Thí sinh đoạt giải nhì hoặc giải ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào một ngành trong các nhóm ngành: KT13, KT14, KT41, KT42, KT5 và các ngành đào tạo Cử nhân công nghệ. Ngành được tuyển thẳng do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi của thí sinh. Trong khi đó, năm 2016, những thí sinh đạt giải nhì, giải ba trong cuộc thi này cửa tuyển thẳng rộng hơn.
Trường ĐH Y Hà Nội 2 năm nay cũng bắt đầu “quy hoạch” lại đối tượng tuyển thẳng. Nếu như trước đây, những thí sinh đạt giải nhì, ba quốc gia môn Sinh học đều được tuyển thẳng vào tất các ngành thì giờ, chỉ những thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Quốc gia dự thi Olympic Quốc tế các môn Toán, Hóa; Những thí sinh đạt giải Nhất Quốc gia môn Sinh, Toán, Hóa; Những thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Tư quốc tế trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật và đã tốt nghiệp THPT được hưởng cơ hội đó.
Còn lại những thí sinh đạt giải Nhì và Ba Quốc gia môn Sinh, Toán, Hóa và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào ngành: Y học cổ truyền, Y học Dự phòng, Điều dưỡng, Xét nghiệm Y học, Y tế Công cộng, Dinh dưỡng và Cử nhân Khúc xạ. Với những thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia, Hiệu trưởng, Hội đồng khoa học của Trường sẽ xem xét cụ thể kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đạt giải để tuyển thẳng vào một số ngành hệ cử nhân. Số lượng tuyển thẳng không quá 10% chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, đến năm 2018 sẽ không tuyển thẳng những học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh thi Olympic quốc tế vào tất cả các ngành.
Vì sao siết?
Có thể thấy, việc siết đối tượng tuyển thẳng có hai đặc điểm sau. Thứ nhất là đối với các trường top trên và các trường khối công an, nơi có số lượng lớn thí sinh khá, giỏi đăng ký nhưng chỉ tiêu lại rất hạn hẹp. Thứ hai, đối tượng siết là những thí sinh dự thi cuộc thi Khoa học kỹ thuật, đạt giải nhì các môn học sinh giỏi quốc gia.
Theo lý giải của chuyên gia tuyển sinh tại một trường ĐH lớn thì những thí sinh đạt giải trong Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cũng cần phải được xem xét. “Giải thưởng là của cả nhóm, nhưng đôi khi sản phẩm chỉ là của một em. Các bạn khác chỉ là “trợ” giúp. Một thí sinh làm nhưng có tới 4, 5 thí sinh “ăn theo”. Thứ hai, khó có thể kiểm soát được đề tài là của học sinh hay có sự can thiệp của người lớn” – vị chuyên gia này chia sẻ.
Ông cũng cho biết, tại trường mình, có năm tuyển thẳng 19 thí sinh đạt giải trong kỳ thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Nhưng sau một năm, khảo sát lại thì chỉ có 2 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên, còn lại đều dưới trung bình. Chính vì vậy, các trường ĐH lớn khá dè dặt với những thí sinh đạt giải trong kỳ thi Khoa học, kỹ thuật. Cũng theo vị chuyên gia này, các giải trong kỳ thi quốc gia không hẳn đã phản ánh đúng chất lượng thí sinh. “Tôi đồng ý những thí sinh đạt giải nhất quốc gia là ổn. Nhưng giải nhì, giải ba thì có nhiều câu hỏi cần tìm hiểu thêm” – vị chuyên gia phân tích.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, phương án tuyển thẳng mới của trường được công bố từ năm 2015 theo đúng quy định của Bộ. Năm 2018 trường bắt đầu thực hiện. Theo đó, số lượng tuyển thẳng chỉ 5-10% chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành. Ông Tú cho hay, nếu tuyển thẳng như hiện nay thì số lượng tuyển thẳng vào trường ĐH Y đang chiếm tỷ trọng lớn.
“Chỉ tính riêng số lượng thí sinh vào vòng thi chọn học sinh giỏi đội tuyển Olympic quốc tế mỗi môn là 32 thí sinh. Trường tuyển thẳng 3 môn là gần 100 thí sinh. Trong số này, giải nhất quốc gia chiếm tỷ lệ ít, còn lại chủ yếu giải nhì quốc gia. Đó còn chưa kể các đối tượng tuyển thẳng khác. Mà các thí sinh tuyển thẳng đều muốn vào ngành bác sĩ đa khoa” – ông Tú cho hay.
Bên cạnh xu hướng siết tuyển thẳng những thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và khoa học kỹ thuật, vẫn có một số trường mở rộng đối tượng tuyển thẳng. Cụ thể, ĐH Thủy lợi năm nay thêm đối tượng tuyển thẳng là học sinh trường chuyên và học sinh các trường khác nhưng đạt học sinh giỏi 3 năm THPT. ĐH Kinh tế quốc dân tuyển thẳng thí sinh đã lọt vào vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình Việt Nam và có tổng điểm thi (theo tổ hợp môn xét tuyển của trường) đạt từ 18 điểm trở lên.