Sinh viên trong giờ học nhóm. ẢNH MINH HỌA: HÀ ÁNH |
Thông tin này đã được nêu ra tại hội nghị thường niên do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay 3.1.
400-500 sinh viên bị buộc thôi học/năm
Trong bài tham luận của mình, 2 tác giả Phan Thanh Định và Phạm Thanh Duy (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã nêu ra thực trạng hiện nay nhiều sinh viên bỏ học không lý đo đang trở thành vấn đề lớn không chỉ đối với trường ĐH này mà còn nhiều trường ĐH trong cả nước.
“Ngoài số sinh viên mượn trường làm điểm đỗ tạm thời trước khi đi du học thì còn có số sinh viên không nhỏ do không tìm hiểu kỹ chuyên ngành nên khi theo học không thích nên bỏ học hoặc chuyển sang ngành nghề khác”, nhóm tác giả này lý giải.
Cũng trong bài tham luận này, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mỗi năm có khoảng 400-500 sinh viên thuộc diện buộc thôi học. Bản chất của những sinh viên bị buộc thôi học này là đã tự ý bỏ học, phần lớn là không còn liên hệ gì với nhà trường và không đến lớp trong thời gian dài.
Sau 4 năm số lượng thí sinh dự thi sau ĐH giảm còn 30%
Theo báo cáo của Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), những năm gần đây số lượng thí sinh dự tuyển sau ĐH, đặc biệt là trình độ thạc sĩ nói chung có xu hướng sụt giảm và ngày càng giảm mạnh.
Từ năm 2012 đến nay, số lượng thí sinh dự thi trình độ tiến sĩ tăng nhẹ nhưng số lượng thí sinh trình độ thạc sĩ tụt giảm mạnh. Đến năm 2016, số lượng thí sinh dự thi trình độ thạc sĩ tại Viện này chỉ bằng 25% so với năm 2012. Tính chung trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, tỷ lệ này là 30%.
Theo Viện này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên như: có ngày càng nhiều cơ sở đào tạo được cấp phép đào tạ trình độ thạc sĩ, nhu cầu đào tạo trình độ thạc sĩ có dấu hiệu “bão hòa” nhất là đối với các đối tượng là cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất và công ty tư vấn…
Trước tình trạng trên, Viện này đã chuyển đổi phương thức tuyển sinh từ thi tự luận sang phỏng vấn đánh giá năng lực tổng hợp (môn cơ bản) và vấn đáp (môn cơ sở). Kết quả số lượng thí sinh tuyển được trong 2 năm 2017 và 2018 đã vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên việc đổi mới tuyển sinh này hiện cũng gặp một số khó khăn.
Tác giả: Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh niên