Em Bùi Thị Hà, Thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016 hiện vẫn thất nghiệp và ở nhà bán hoa quả, phụ mẹ nuôi lợn. |
Gần đây, câu chuyện về em Bùi Thị Hà (sinh năm 1994, trú tại TP Hà Giang), tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ngành Sư phạm Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016 đang phải “ ở nhà bán hoa quả, phụ mẹ nuôi lợn” nhận được nhiều bàn tán.
Nhiều đơn vị đã ngỏ ý với những lời mời em về thử sức thi tuyển hoặc vào làm luôn với những vị trí mà nhiều khả năng phù hợp.
Thông qua VietNamNet, một đại diện ở Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM cũng đã liên hệ với em Hà với thông tin cũng đang cần tuyển một vị trí mà nhiều khả năng phù hợp với khả năng của Hà.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng cơ hội việc làm cho nữ thủ khoa này là không quá khó. Ở Hà Giang chưa có trường dân lập hệ THPT, nhưng nếu có nguyện vọng thì em Hà có thể về Hà Nội để thi tuyển vào các trường và cơ hội còn rất nhiều.
“Nếu em Hà có nguyện vọng muốn được đi làm thì có thể tới trường chúng tôi để nộp hồ sơ thi tuyển như các giáo viên khác. Cách đây không lâu, nhà trường cũng đã tuyển thêm hai giáo viên dạy Ngữ văn. Vấn đề cốt yếu là các em phải thi theo quy định và thể hiện được khả năng của mình, chứ cũng không có đặc cách để nhận”.
Ông Tùng cho hay, cơ hội của các sinh viên mới tốt nghiệp ở những trường tư thục là rất nhiều. Vừa rồi, trường nãy cũng tiếp nhận hồ sơ thi tuyển của những tân cử nhân sinh năm 1995, tức vừa mới ra trường.
“Nhà trường vừa tiếp nhận 2 giáo viên Văn sinh năm 1995, tức là vừa tốt nghiệp xong mà còn chưa nhận bằng. Nhưng các em đã có bảng điểm để đến nộp hồ sơ để thi tuyển. Thậm chí, các em đến để xin gặp thẳng Hiệu trưởng xin phỏng vấn luôn và bày tỏ nguyện vọng của mình một cách chủ động. Trường vẫn có cơ hội cho các bạn tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2, miễn sao giáo viên đó phải giỏi và có năng lực thực sự”.
Trước đó, TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống BigSchool cho hay sẽ nhận em Bùi Thị Hà vào làm việc tại đây với điều kiện vừa làm nhưng em vẫn phải học thêm. “Đây không chỉ là yêu cầu riêng với bạn mà là yêu cầu cho tất cả cán bộ công ty tôi. Cơ hội hay thách thức cũng đều do chính các bạn”, TS Lê Thống Nhất cho biết.
"Hiện giờ việc đánh giá ở các trường đại học với đánh giá tuyển dụng của thị trường có sự khác nhau rõ nét. Bởi có không ít các em thủ khoa ở trường đại học nhưng khi ra thi tuyển vào làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài lại không thể qua nổi. Như vậy, sản phẩm mà trường đào tạo ra liệu có đúng với chuẩn đánh giá của nhà tuyển dụng không?
Vì vậy, nếu để nói ưu tiên việc làm cho các em thủ khoa cũng rất khó. Các bạn thủ khoa muốn hòa nhập tốt với cuộc sống sau khi ra trường thì phải học thêm rất nhiều các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, các hoạt động xã hội. Nhiều khi thất nghiệp là do chính các bạn không đủ các kỹ năng khác".
|
Chia sẻ với VietNamNet sáng nay 10/10, em Bùi Thị Hà cho biết, mấy ngày qua, ngày nào em cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và hiện em rất buồn bởi bỗng dưng bị nhìn nhận "như là một người đả kích nền giáo dục".
“Có thể Sở GD-ĐT cũng đã có ý sắp xếp cho em một công việc ở huyện Xín Mần khi có đợt tuyển dụng. Giờ đây, bị bàn tán thế này, có khi em mất luôn cơ hội được làm việc tại quê hương” - Hà thật thà chia sẻ.
Hà chia sẻ, mấy ngày gần đây em cũng nhận được một số lời mời việc làm từ các đơn vị.
Tuy nhiên, hiện em vẫn chưa đưa ra quyết định về bất cứ một hướng đi nào.
“Em hoang mang lắm, chưa thể nghĩ được điều gì cả”, Hà nói với VietNamNet.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet