Bạn cần biết

Nhiều người tưởng đúng nhưng lại “rước độc" vào người với cách rửa và chế biến rau củ sau

Các chuyên gia về rau khuyến cáo, nếu không rửa đúng cách, rau bẩn vẫn hoàn bẩn.

Những thao tác nhỏ rất quen thuộc khi rửa rau mà ai cũng nghĩ là tốt và sạch nhưng không ngờ lại làm mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng có trong rau.

Cách rửa rau củ sạch, an toàn (ảnh minh họa).

Những sai lầm khi rửa rau và trái cây

Nước rửa rau quả không an toàn tuyệt đối

Ngoài việc ngâm nước muối cho rau quả, các bà nội trợ còn biết đến nước rửa rau quả hiện bán trên thị trường. Thành phần chính của các loại dung dịch này thường là nước khử ion, acid citric, sodium, hương liệu... Tuy vậy, loại nước rửa rau quả này cũng không thể loại bỏ hết vi khuẩn trong rau củ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, các loại nước rửa hoa quả này không phải là thần dược có thể khử được 100% hoá chất độc hại trong rau quả.

Nước rửa rau quả có thể loại bỏ nhanh các vết bẩn và một số hoá chất độc hại bám trên bề mặt rau quả “không an toàn”, trong khi thuốc bảo vệ thực vật thường ngấm sâu vào bên trong. Khi hoa quả bị hoá chất độc hại ngấm sâu, các loại nước tẩy rửa không thể nào phát huy được hết tác dụng. Đối với các loại rau quả được phun thuốc lâu ngày, thuốc ngấm sâu vào bên trong thì nước rửa hầu như là vô hiệu.

Đấy là chưa kể đến việc, hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật có rất nhiều hoạt chất cũng như có nhiều thương hiệu sản xuất. Mỗi loại có tính chất riêng, một vài hoạt chất rửa được rau quả này, không rửa được ở rau quả khác.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền, Viện Hoá học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định, không thể có bất cứ loại tẩy rửa nào đảm bảo rửa sạch rau một cách tuyệt đối.

Nếu nước rửa rau quả sử dụng các chất như nước khử ion... chỉ có tính chất sát trùng, sát khuẩn, chứ không có khả năng tẩy rửa, còn nếu sử dụng các chất hoá học để tẩy rửa thì rất có thể sẽ gây ra những tác hại xấu.

Rửa rau bằng cách ngâm lâu trong nước

Đây là một sai lầm khi rửa rau không chỉ bạn mà nhiều người mắc phải. Cách làm này không chỉ không có tác dụng với rau ngậm hóa chất mà còn làm mất rất nhiều dinh dưỡng trong rau. Bởi vì, trong rau xanh chứa rất nhiều nước, căn cứ vào nguyên lí thẩm thấu, nếu ngâm lâu rau trong nước sẽ khiến nước bên ngoài xâm nhập vào rau để đạt trạng thái dung dịch cân bằng.

Đến khi vách tế bào bị phá vỡ do lượng nước thẩm thấu quá nhiều thì dung dịch trong tế bào chất sẽ hòa tan với môi trường nước bên ngoài. Vì vậy, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hòa tan với nước, lượng vitamin C gần như bị thất thoát hoàn toàn. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein tan trong nước cũng bị thất thoát giống như vậy.

Nếu bạn muốn cho sạch, nhất là với những loại rau trồng dưới nước vì có nhiều kí sinh trùng bám trực tiếp lên rau mà mắt thường không thể nhìn thấy được, trong đó nhiều nhất là trứng của kí sinh trùng và vi khuẩn thì cách tốt nhất là nên rửa trực tiếp từng lá rau dưới vòi nước chảy. Biện pháp này cũng rất có hiệu quả trong việc loại bỏ dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.

Chần rau qua nước sôi rồi nấu

Nhiều chị em lại cho rằng chần qua rau rồi nấu cho an toàn nhưng đây cũng có một sai lầm. Thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu nhằm bảo đảm vệ sinh vừa đẹp màu khi ăn là không cần thiết, thậm chí là phí. Cách này vừa làm giảm vitamin vừa khiến cho hương vị của các loại rau quả không còn thơm ngon trong quá trình chế biến nữa.

Rửa rau 3 nước là sạch

Nhiều người cho rằng, rau chỉ cần rửa 2-3 nước là sạch, khi nấu lên các vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ chết hết. Tuy nhiên, thực tế để rau thực sự sạch thì cách rửa phải cầu kỳ hơn thế rất nhiều.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ thực phẩm - Sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu chỉ rửa 2-3 nước khó có thể loại bỏ được tối đa tạp chất bẩn như đất, rác, ký sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.

Cắt rau củ trước khi rửa

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nên rửa rau xong rồi mới được cắt. Nếu cắt rau xong mới rửa sẽ làm mất một lượng vitamin thường tồn tại ở dạng nước. Rau sau khi cắt, lại bị ngâm vào nước sẽ bị tổn thất từ 14-23% giá trị dinh dưỡng, nếu ngâm trong một đêm lượng vitamin C gần như bị thất thoát hoàn toàn.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein tan trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ. Thói quen sai lầm này không chỉ làm mất đi một lượng lớn vitamin mà còn vô tình làm những chất bẩn bên ngoài vỏ thấm vào bên trong lúc rửa.

Cách rửa rau củ quả đúng để loại bỏ thuốc trừ sâu, vi khuẩn

- Sau khi xối sạch rau dưới vòi nước, dùng nước vo gạo để ngâm tối đa trong 15 phút, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu.

- Dưa chuột, cà tím hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.

- Cho rau quả vào chậu nước, sau đó thêm chút giấm. Ngâm không quá 5 phút rồi vớt ra, rửa lại sạch với nước, để ráo và sử dụng như bình thường.

- Pha 4 muỗng canh muối, nửa trái chanh với 1 tô nước sạch, khuấy đều cho đến khi muối tan. Sau đó cho các loại rau củ vào ngâm khoảng 5 phút rồi rửa lại bằng nước sạch và chế biến.

- Các loại củ như khoai tây, cà rốt, củ cải... khi gọt vỏ hoặc cạo bỏ lớp ngoài, các vi trùng, bụi bẩn, thuốc trừ sâu trên bề mặt vẫn có thể thấm vào sâu. Để làm sạch, nên rửa kỹ lại với nước lạnh, tránh chà xát mạnh tay để rau củ không bị nát.

Tác giả: Quỳnh Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: rước độc , sai cách , rửa rau

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP