Đây là kết quả khảo sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và giáo viên, nhân viên phổ thông của TS Nguyễn Thị Bích Hồng, ThS Đào Thị Duy Duyên và ThS Đinh Thảo Quyên thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Sinh viên sư phạm tìm việc làm (Ảnh: Thanh Hùng) |
Tiến sĩ Hồng cho biết, khi thực hiện khảo sát 200 sinh viên các khao sư phạm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có 11% sinh viên cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm. Trong khi đó khoảng 46,5% sinh viên cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn trong công việc tương lai.
“Một số sinh viên tâm sự rằng khi được ai đó hỏi về công việc của mình, các em không dám tự giới thiệu là đang học trường sư phạm mà chỉ nói chung là đang học đại học. Điều này ảnh hưởng bất lợi đến động cơ phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực trong tương lai, gây khó khăn cho quá trình đào tạo và giảm hiệu quả đào tạo trong trường sư phạm”- TS Hồng nhấn mạnh.
Điều đáng quan tâm là có tới 26,5% sinh viên sư phạm cảm thấy bình thường trước những sự việc tiêu cực trong ngành giáo dục gần đây như cô ép học sinh uống nước giẻ lau, trò đâm thầy, phụ huynh đánh giáo viên hay ép cô giáo quỳ gối…
Những sinh viên này giải thích rằng, trước đây bản thân họ đã từng bị giáo viên cư xử tệ và hiện nay các em của họ vẫn tiếp tục chịu đựng thái độ không đúng mực của thầy cô trường phổ thông. Vì vậy, những thông tin vừa qua không làm cho cho họ bất ngờ nữa.
Tiến sĩ Hồng cho rằng, những suy nghĩ này thực sự đáng ngại, phản ánh sự thất vọng của chính bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong người thầy.
Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả giáo viên và nhân viên phổ thông hiện nay cũng cảm thấy hoang mang với nghề, một bộ phận nhỏ cảm thấy xấu hổ, tự ti khi theo ngành sư phạm.
Trong 53 giáo viên, nhân viên phổ thông và nhóm thực hiện khảo sát thì có tới 54,72% cảm thấy lo lắng, hoang mang; 15% giáo viên và nhân viên cảm thấy xấu hổ, tự tin khi đang công tác trong ngành.
Tuy nhiên theo TS Hồng điều đáng mừng là dù hoang mang, mặc cảm, tự ti nhưng cả sinh viên sư phạm (85%) và giáo viên (71%) muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức của xã hội về nghề giáo.
TS Hồng khẳng định, nghiên cứu này sẽ là một căn cứ thực tế để trường sư phạm đẩy mạnh việc trang bị kỹ năng giao tiếp ứng xử sư phạm cho giáo viên phổ thông tương lai, đồng thời chú trọng đến củng cố niềm tin về giá trị của nghề giáo và vị thế của người thầy mà cụ thể là tinh thần trách nhiệm và vun đắp tình yêu nghề đối với sinh viên sư phạm và giáo viên phổ thông.
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet