Trong nước

Nhập chất thải Formosa để sản xuất xi măng?

Mặc dù chưa được UBND tỉnh Quảng Bình cho phép, nhưng Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã cùng Công ty TNHH Vận tải Thương mại Lê Nam (thị xã Ba Đồn) nhập chất thải dưới dạng tro bay từ Formosa về làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng.

Xe bồn chở tro bay của Công ty Lê Nam thường xuyên vào ra cổng Nhà máy Xi măng Sông Gianh.

Từ đầu năm 2018, dư luận ở Quảng Bình đã xôn xao việc Công ty Xi măng Sông Gianh nhập chất thải của Formosa về làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên khi làm việc với PV, lãnh đạo cả hai đơn vị nói trên đều phủ nhận việc nhập chất thải từ Formosa và nói họ chỉ nhập chất thải dạng tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng về làm chất phụ gia. Việc này theo lời họ, được Chính phủ, các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Bình cho phép. Để chứng minh, cả hai đơn vị đã cung cấp cho PV một số loại giấy tờ liên quan, đồng thời khẳng định: “Không nhập tro bay của Formosa vì nhạy cảm”.

Theo những giấy tờ mà Xi măng Sông Gianh và Công ty Lê Nam cung cấp: Giữa 2 đơn vị này có một hợp đồng được ký vào ngày 21/8/2017 về việc mua bán tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, với khối lượng từ 10.000 - 15.000 tấn/tháng, đơn giá 185.000 đồng/tấn, đã bao gồm thuế VAT 10%. Ngoài ra, còn một bản công bố hợp quy của Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh (đơn vị có Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng) và công văn cho phép nhập tro bay từ Nhiệt điện Vũng Áng, do ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký ngày 1/8/2017.

Nhằm làm rõ có hay không việc Xi măng Sông Gianh và Công ty Lê Nam đang lén lút nhập chất thải dạng tro bay từ Formosa, PV Tiền Phong đã theo dõi trong nhiều ngày. Theo đó, bình quân mỗi ngày có ít nhất vài ba chuyến xe bồn của Công ty Lê Nam vào ra Formosa. Đơn cử, vào sáng 18/4, có 1 xe bồn mang biển kiểm soát của Công ty Lê Nam đi từ thị xã Ba Đồn ra Hà Tĩnh và tiến vào cổng của Formosa. Sau khi lấy đầy chất thải dạng tro bay từ bãi thải của Formosa, chiếc xe này quay ngược vào Quảng Bình.

Cùng ngày, PV làm việc với ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh. Ban đầu ông Thành phủ nhận việc nhập chất thải dạng tro bay từ Formosa. Tuy nhiên, khi PV cung cấp clip, hình ảnh, biển số xe… đồng thời đề nghị trích xuất camera, ông Thành mới đổ lỗi cho Công ty Lê Nam, cho rằng Công ty Lê Nam tự ý làm việc này, ông không hề hay biết. “Cuối tháng mới làm thủ tục xác nhận xuất xứ hàng hóa. Thực ra Sông Gianh không có lực lượng kiểm tra dọc đường… mình cũng đã nói với Lê Nam là không nên nhập từ Formosa” - ông Thành nói, đồng thời đề nghị PV giúp đỡ Nhà máy Xi măng Sông Gianh, bằng việc không viết bài.

Xe bồn của Công ty Lê Nam vào nhập tro bay ở Formosa.

Có hay không lợi ích nhóm?

Ngay trong chiều tối cùng ngày, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Lê Nam đã chủ động tìm gặp PV để “trao đổi thông tin”. Tại cuộc gặp này, ông Hải thừa nhận là có chở “một ít xe” tro bay từ Formosa, vì tro bay của Nhiệt điện Vũng Áng không đủ cung cấp cho nhà máy Xi măng Sông Gianh. Tại đây, ông Hải trưng ra một bản đăng ký công bố hợp quy sản phẩm tro bay của Formosa (tháng 10/2017) và công văn của Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép Xi măng Sông Gianh nhập tro bay của từ các nhà máy nhiệt điện làm phụ gia, do ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường ký ngày 13/2/2018.

Theo đó, Viện Vật liệu xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng đã cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm tro bay của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phù hợp quy chuẩn QCVN 16:2014/BXD. Giấy chứng nhận và dấu hợp quy có giá trị sử dụng từ ngày 1/9/2017 đến ngày 31/8/2020.

Ông Hải cho rằng, việc cả Nhiệt điện Vũng Áng và Formosa sử dụng bản hợp quy để bán trực tiếp sản phẩm tro bay ra thị trường là vi phạm các quy định hiện hành. Mỗi lô sản phẩm, đặc biệt là tro bay, trước khi xuất bán ra thị trường, ngoài chứng nhận hợp quy thì phải được kiểm nghiệm, để xem chất lượng có đúng với bản hợp quy hay không. Nếu không đạt chất lượng thì phải qua nhà máy có chức năng xử lí tro bay để loại bỏ những tạp chất và than đá cháy chưa hết. Tuy nhiên, lâu nay cả hai nhà máy nói trên đều bỏ qua bước kiểm nghiệm từng lô sản phẩm và cũng không qua nhà máy có chức năng xử lí.

Theo một chuyên gia trong ngành quản lí chất lượng, một sản phẩm hợp quy phải được kiểm nghiệm từ chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ… “Cụ thể như ở Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và Formosa, có thể dây chuyền công nghệ của họ ổn định, nhưng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm tro bay, chủ yếu là than đá liệu có ổn định, hay hôm nhập của Việt Nam, mai nhập của Trung Quốc, ngày kia nhập của Indonesia… thì bản hợp quy có thời hạn 3 năm là chưa ổn. Ngoài ra, họ phải kiểm nghiệm từng lô sản phẩm mới được xuất bán ra ngoài vì tro bay là một loại hàng hóa đặc biệt” - vị chuyên gia này nói.

Theo một lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, năm 2017, Xi măng Sông Gianh có văn bản xin được nhập tro bay của Formosa làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên, sở này đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình là không cho phép vì nhạy cảm. “Formosa đã gây nhiều thiệt hại cho người dân Quảng Bình, nay cho nhập chất thải của Formosa nữa thì rất phức tạp, chứ chưa nói đến chất lượng của sản phẩm tro bay của họ như thế nào. Việc Xi măng Sông Gianh tự ý nhập tro bay của Formosa mà không báo cáo để Sở Tài nguyên Môi trường giám sát định kỳ là vi phạm” - vị này nói.

Tại cuộc gặp, ông Hải nhiều lần xin PV tạo điều kiện bằng việc không viết bài. Theo ông Hải, việc nhập tro bay của Formosa ông cũng “không được mấy đồng” vì phải chia phần cho nhiều người, trong đó có “một số người ở Bộ Tài nguyên Môi trường”?

Tro bay là bụi khí thải dưới dạng hạt mịn thu được từ quá trình đốt cháy nhiên liệu than đá trong các nhà máy nhiệt điện chạy than, là phế thải thoát ra từ buồng đốt qua ống khói nhà máy.

Trước đây, tro bay bị cho là một loại chất thải độc hại. Tuy nhiên, hiện nay tro bay được cho phép làm chất phụ gia trong sản xuất vật liệu xây dựng nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo vệ môi trường.

Tác giả: Nhóm PVĐT

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: sản xuất xi măng , formosa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP