Ảnh minh họa Hơn 50 chương trình truyền hình thực tế (THTT) lên sóng trong vòng ba năm qua thực sự là một sự bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua bản quyền từ nước ngoài quá nhiều, quá vội, và thiên về vụ lợi đã khiến “món lạ” THTT dọn lên bàn văn hóa – nghệ thuật cho công chúng thưởng thức đã hầu hết không “vừa miệng”, thậm chí bị chối bỏ và đã bị gọi là “thảm họa”. Chưa được Việt hóa tử tế Bản thân THTT là xu hướng tất yếu của sự phát triển truyền hình trên toàn cầu. Đến thời điểm nhất định, truyền hình cần thay đổi, cần hướng về hiện thực luôn xanh tươi và sống động của dòng chảy cuộc sống thường nhật. Không ngẫu nhiên, sự xuất hiện của THTT đã đổi mới SX chương trình truyền hình một cách mới lạ và được công chúng truyền hình ở nhiều nước trên thế giới rất ưa chuộng. Tuy nhiên, các chương trình THTT của Việt Nam hiện nay hầu hết đều phải mua bản quyền từ nước ngoài. Trong số khoảng 50 đến 60 chương trình THTT đang phát sóng tại Việt Nam thì có đến khoảng 95% mua lại bản quyền từ nước ngoài và vẫn không ngừng tăng lên bởi nhu cầu người xem, cùng với sự “béo bở” về lợi nhuận của thị trường này. Việc mua bản quyền quá nhiều chương trình từ nhiều quốc gia khác nhau và nhất là việc chế biến vội vã, sống sượng đã hiển thị nguy cơ biến THTT tại Việt Nam thành một “bãi rác” văn hóa, vì trong thực tế, THTT đã không được “Việt hóa” tử tế. Thông qua cách SX chương trình THTT, chế biến từ (format) của nước ngoài, có thể xem đây là các “món ăn ngoại” trên bàn ăn Việt, tuy mang danh “thực tế” thì chủ yếu nó vẫn chưa/ không là “thực tế” của đất nước, con người Việt Nam, nếu không nói là còn rất xa lạ với công chúng truyền hình Việt. Có chương trình truyền hình thực tế đã và đang phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, tôi cho là trường hợp khá đặc biệt: chương trình “Giai điệu tự hào”, mua bản quyền từ chương trình “Di sản quốc gia”, rất thành công trong vòng 4 năm (từ năm 2009 đến năm 2013) của lịch sử truyền hình hiện đại Nga. “Di sản quốc gia” không chỉ là một chương trình ca nhạc làm mới các ca khúc đã từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, điều đặc biệt nhất mà chương trình thực hiện được, đó là phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ già và trẻ, rất khác biệt về tuổi tác, về quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật. Sự khác biệt ấy thể hiện trong đối thoại, tranh biện giữa hai thế hệ. Đây là một chương trình THTT hiếm hoi được chủ thể sản xuất và tổ chức trình diễn gắng đảm bảo sự tương xứng hài hòa giữa tính chính luận và tính nghệ thuật, giải trí, mặc dù cũng không tránh được “sạn” về nghệ thuật đối thoại, bình luận và văn hóa ứng xử trẻ – già trong diễn tiến các chương trình. Đáng buồn là THTT Việt Nam không phải đã có nhiều lắm những “Giai điệu tự hào”. Thực tế phát sóng các chương trình THTT cho thấy tỉ lệ các chương trình THTT vào Việt Nam đã đem đến cho công chúng Việt nhiều thất vọng hơn là hy vọng về câu chuyện “Việt hóa”, nên dư luận xã hội và giới truyền thông, cho đến thập niên thứ hai của thế kỉ 21, buộc phải gọi đích danh là “thảm họa THTT”. Thật tiếc, khi những “món ăn” ngoại, được đem về nấu nướng và pha chế lại ở Việt Nam, do cách pha chế thiếu “Việt hóa” đúng độ, nên có “món” người Việt không sao thưởng thức nổi. Và một khi công chúng không thưởng thức nổi, họ sẽ không còn muốn lựa chọn, sẽ chuyển kênh và thậm chí có thể là “cạch mặt” không xem và chẳng buồn nhắn tin nữa, vì thấy mình không được nhà đài tôn trọng, thậm chí bị lừa. Vì thế, mới có chương trình THTT chỉ tồn tại hay chỉ “nổi” một, hai số đầu, càng về sau lại càng nhàm, nhảm, nhạt và dẫn tới đoản mệnh. Nguyên nhân chính ở đây vẫn nằm ở việc “Việt hóa” qua loa, vội vã, sống sít và quá thiên về lợi nhuận (qua quảng cáo và tin nhắn của công chúng truyền hình). Các chương trình THTT được mua bản quyền nhằm phục vụ đời sống “thực tế” của các quốc gia rất khác nhau về tính cách văn hóa. “Thực tế” ấy, do đến từ các nền văn hóa khác nhau, bởi không nền văn hóa nào lại giống hệt nền văn hóa nào về cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đặc thù chỉ riêng có ở quốc gia của mình. Vì vậy, khi được chọn mua và được đưa vào Việt Nam, các chương trình THTT buộc phải qua một “màng lọc” văn hóa. Ví dụ như “Giai điệu tự hào” thành công là nhờ có sự “Việt hóa” phù hợp. Tuy nhiên, do trình độ và cả thái độ đối với văn hóa nghệ thuật của những người có trách nhiệm là chủ thể truyền thông của việc lựa chọn, quyết định mua chương trình nào, mời Cty nào tham gia việc mua bản quyền nào từ nước ngoài và quá trình tổ chức sản xuất, phát sóng ra sao vẫn chưa nằm trong một quy trình “Việt hóa” thích hợp và chính xác, nên công việc “Việt hóa” hầu hết các chương trình THTT chưa có sự đầu tư nghiêm túc.
Nói cách khác, công việc này vẫn chịu sự chi phối hàng đầu về lợi nhuận của những Cty tư nhân đứng ra bao thầu và SX chương trình. Sau đó, là phải có đầu bếp nội “cứng tay”, kỹ nghệ “nấu bếp” cao cường để biến “món ăn” ngoại lai ấy thật vừa miệng với người Việt hiện đại, họ vẫn thích ngồi xem chương trình THTT để giải trí, thư giãn, nghĩ suy tích cực trong sự vui sống. Tiếc thay, truyền hình Việt chưa ý thức được điều này. Khi mà đồng tiền còn nắm quyền quyết định cao nhất thì việc giá trị văn hóa nghệ thuật bị xem nhẹ cũng là điều hiển nhiên. Và liên tiếp những “thảm họa” THTT xuất hiện và “chết yểu” cũng từ đây mà ra. Cần có sự điều chỉnh kịp thời Nhìn vào THTT Việt Nam, vì thế, mới thấy rằng các nhà Đài và các Cty truyền thông đang thể hiện (hy vọng rằng ngoài ý muốn) sự chưa coi trọng công chúng. Ngay từ việc mua bản quyền, người mua đã phải trả lời những câu hỏi: Mua chương trình này cho ai, với mục đích gì? Mua thế nào? Việt hóa ra làm sao? Làm thế nào phù hợp với công chúng Việt?… Nhưng hình như, mới chỉ chú ý trả lời câu hỏi thương mại: Mua hết bao nhiêu tiền và làm sao để sinh lời thật nhiều? Vậy, muốn chế tác một chương trình THTT đậm chất Việt thì nên có sự nghiên cứu kĩ càng về fomat chương trình, có sự tư vấn sâu sát của các nhà văn hóa. Tránh tình trạng “quá mù ra mưa”, chỉ chăm chăm về lợi nhuận mà quên đi cách tổ chức một chương trình THTT đúng chuẩn, hấp dẫn. Truyền hình hôm nay, trong thực tế, vẫn là món quà tặng của Nhà nước dành cho người dân. Vì vậy, các chương trình THTT phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân. Và nếu THTT đang bị xem là thảm họa, thì phải có sự điều chỉnh kịp thời. Không thể để tình trạng mấy chục chương trình THTT làm mưa làm gió và chưa được Việt hóa tử tế như hiện nay. Đây cũng là một phần trách nhiệm của báo chí truyền thông trong việc truyền thông và định hướng cho THTT tại Việt Nam. Và, với tính phản biện xã hội đặc trưng thì báo chí truyền thông mới có thể “thức tỉnh” các cơ quan liên quan trong vấn đề này. Dường như trong “luật” mua bán các chương trình THTT, ai nắm kinh tế, người đó có quyền quyết định. Vậy nên, quyền quyết định về chương trình sẽ phụ thuộc vào người trả tiền mua – tức các Cty tư nhân, nên đã dẫn đến việc quản lí của cơ quan chức năng có khi chỉ là “lấy lệ”. Thế nên mới có việc một chương trình dùng chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái làm thành chiếc khố cho các ca sĩ biểu diễn trên truyền hình. Sự xúc phạm văn hóa này thể hiện sự thiếu hiểu biết của cả người làm văn hóa – nghệ thuật và người quản lí văn hóa – nghệ thuật. PGS -TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI
|
Nhận diện thảm họa truyền hình thực tế ở Việt Nam
Việc mua bản quyền quá nhiều chương trình từ nhiều quốc gia khác nhau và nhất là việc chế biến vội vã, sống sượng đã hiển thị nguy cơ biến truyền hình thực tế tại Việt Nam thành một “bãi rác” văn hóa.
BÀI MỚI ĐĂNG
HOT: Bắt gặp Á hậu Phương Nhi lộ diện tất bật giữa rạp cưới, visual cô dâu mới gây chú ý!
Diệp Lâm Anh có bạn trai mới hậu ly hôn với thiếu gia Đức Phạm
WeChoice Awards 2024: Công bố 10 Nhân vật truyền cảm hứng của năm!
Nhan sắc Hoa hậu đăng quang 17 năm trước bất ngờ gây sốt với clip 38 giây
Sự nghiệp thăng hoa của MC điển trai được yêu thích nhất tại giải Mai Vàng 2024