Văn hoá Dân gian

Nguyễn Du với hát phường vải Trường Lưu

Xưa kia, Trường Lưu vốn có phường vải rất nổi tiếng với nhiều cô gái đẹp người, hát hay và nhiều ông thầy mách lời tài ba là các nhà thơ mang họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Tài tử giai nhân khắp nơi nghe tiếng đều muốn đến để đọ tài và thưởng sắc con gái Trường Lưu.

Một cách rất tự nhiên, Trường Lưu trở thành địa điểm hát ví phường vải nổi tiếng của Xứ Nghệ. Trong đó, những giai thoại về cậu Chiêu Bảy Nguyễn Du với hát ví phường vải Trường Lưu cho thấy sự hấp dẫn đặc biệt của vùng quê này.

Tiết mục hát ví phường vải Trường Lưu (CLB Trường Lưu – Can Lộc) đem đến không gian diễn xướng cổ xưa

Chuyện xưa kể lại rằng, thời gian Nguyễn Du sống ở Tiên Điền, lấy cớ đi lại thăm thông gia (Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản – anh trai của Nguyễn Du), ông thường sang Trường Lưu để được hát phường vải với tư cách là một chàng trai trong cuộc. Sau những đêm hát say sưa, cậu Chiêu Bảy đã để thương để nhớ lại rằng:

Phiên nào chợ Vịnh ra trông

Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba.

Đến khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn thì cô Tuyết, một trong những cô gái hát phường vải ấy trách:

Cái tình là cái chi chi

Anh làm tham tri em cũng biết rồi.

Lại có chuyện khác kể lại rằng, một đêm hát nọ, Chiêu Bảy gặp một cô gái tên Cúc, người đẹp, giọng hay, nhưng phải một nỗi quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp, liền hát chơi:

Trăm hoa đua nở về xuân

Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn cất tiếng hát đáp lại:

Vì chưng tham chút nhụy vàng

Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.

Cúc vốn là loài hoa nở về mùa thu, cúc nở về thu mới đang độ tươi đẹp, đúng kỳ chớ không phải muộn. Câu hỏi khôn và câu trả lời cũng thật khéo.

Nhiều câu hát ví phường vải Trường Lưu đã ra đời từ những cuộc gặp gỡ như thế và cũng từ mối duyên nợ ấy, 2 bài thơ “Thác lời gái phường vải” và “Thác lời trai phường nón” nổi tiếng cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Chuyện là, sau một đêm hát ví say sưa đến tảng sáng, bỗng dưng, một thời gian dài sau đó, Nguyễn Du không sang hát nữa, cô gái Trường Lưu đem lòng tương tư bỏ bê cả khung cửi, thấy vậy, ông nghè Nguyễn Huy Quýnh mới làm hộ bài thơ “Thác lời gái phường vải” để gửi tặng Nguyễn Du với những lời hờn trách khéo léo:

Tảng mai Hầu trở ra về

Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng.

Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,

Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời.

Trời làm chi cực bấy trời

Cơi trầu này để còn mời được ai?

Tím gan đổ hắt ra ngoài,

Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu.

Khi lên, đổ rối cho nhau,

Khi về, trút một gánh sầu về ngay.

Sau đó, Nguyễn Du đã viết bài “Thác lời trai phường nón” đáp lại để nói về tình cảm của mình đối với các cô gái Trường Lưu, trong đó có những câu thơ rất ý nhị:

Tiếc thay duyên Tấn phận Tần

Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa

Chưa chi đông đã rạng ra

Ðến giờ hãy giận con gà chết toi

Tím gan cho cái sao mai

Thảo nào vác búa đánh trời cũng nên

Về qua liếc mắt trông miền

Lời oanh, giọng ví chưa yên dằm ngồi

Giữa thềm tàn đuốc còn tươi

Bã trầu chưa quét, nào người tình chung?

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Ðò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu

Làm chi cắc cớ lắm điều

Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay…

Những giai thoại về Nguyễn Du cho thấy sức hấp dẫn của hát ví làng Trường Lưu, đồng thời cũng khẳng định những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, phong cảnh và con người Trường Lưu cũng đã góp phần kiến tạo nên tâm hồn của Đại thi hào thời trai trẻ…

Anh Hoài

(biên soạn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP