Cuộc sống

Người tình của chồng có bầu, “chính thất” phải cất công đi tìm, động viên xét nghiệm ADN thai nhi và cái kết có hậu

Biết chồng cặp bồ với một nhân viên ở công ty, người vợ đã giữ được bình tĩnh và xử lý vấn đề khéo léo để cả hai bên không ai bị tổn thương.

Khi công nghệ xét nghiệm ADN ra đời, rất nhiều gia đình đã tìm lại được người thân nhưng cũng không ít sự thật được phơi bày khiến nhiều tổ ấm lung lay.

Bà Nguyễn Thị Nga - giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội chia sẻ, cách đây không lâu bà nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm, bên kia đầu dây là giọng một phụ nữ ngập ngừng: “Cô ơi! Bên cô có xét nghiệm cho thai nhi 13 tuần tuổi để xác định huyết thống cha-con không ạ?”.

Sau khi được tư vấn trong đêm ấy, vài ngày sau, người phụ nữ đã cầm theo 3cc nước ối đã được bác sĩ tại một bệnh viện chọc, bảo quản theo đúng quy định tới trung tâm. Người phụ nữ ấy tên Hạ Lam (ở Hà Nội), đi cùng với chồng - một người đàn ông gần 40 tuổi, rất phong độ và đẹp trai.

Việc lấy nước ối có thể xét nghiệm được ADN để xác định huyết thống, nhưng cần thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Ảnh minh họa.

“Cháu đã lấy mẫu và mang đến theo như những gì cô hướng dẫn, nhờ cô xét nghiệm huyết thống mẫu nước ối này với chồng cháu. Cô làm nhanh nhất có thể giúp cháu nhé”, Hạ Lam nói.

Suốt thời gian lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm, đôi vợ chồng không nói chuyện với nhau, khuôn mặt ai cũng đầy suy tư, lo nghĩ. Sau 4 giờ làm xét nghiệm, kết quả đã có và gửi đến cho Hạ Lam, nhưng cô không dám đọc. “Cô đọc giúp cháu được không?”, Lam nói. Bà Nga cầm tờ kết quả trên tay, nội dung thể hiện rõ, thai nhi 13 tuần không có quan hệ huyết thống với chồng của Lam.

Nghe kết quả, Lam thở phào nhưng khuôn mặt vẫn rất đăm chiêu. Khi đó, người phụ nữ này cởi lòng tâm sự: “Mẫu nước ối ấy không phải là của cháu. Đó là mẫu nước ối được lấy từ cái thai mà bồ chồng cháu đang mang”.

Chồng Hạ Lam tên Hùng (ở Hà Nội), là người đẹp trai, phong độ và được mọi người đánh giá rất hiền lành. Thậm chí Lam cũng thừa nhận rằng, chồng cô rất yêu thương vợ con. Thế nhưng, không ai ngờ, Hùng đã chung sống với một người con gái làm cùng công ty.

Phát hiện chồng có bồ ở ngoài nhưng người vợ vẫn rất bình tĩnh để xử lý vấn đề. Ảnh minh họa.

Lam không hề hay biết cho đến một ngày tình cờ bắt gặp chồng và bồ đang tay trong tay đi mua sắm đồ bầu. “Tôi đã sốc nặng khi biết chuyện vì từ trước đến giờ luôn tin chồng tuyệt đối”, Lam chia sẻ và tâm sự thêm rằng, cô không làm um lên giữa nơi đông người vì muốn giữ thể diện cho chồng. Về nhà, hai vợ chồng nói chuyện thì Hùng thừa nhận có quan hệ với nhân viên cấp dưới và cô gái đó mang thai được 13 tuần.

Ngay ngày hôm sau, Hạ Lam đã liên hệ với cô gái tên Hồng (bồ của chồng) để giải quyết vấn đề. Lam muốn cả hai gia đình được yên ấm, nên đã đưa ra cách giải quyết là nên bỏ thai. Sau khi cân nhắc, Hồng đồng ý. Thế nhưng sự cố đã xảy ra, khi hôm sau không ai có thể liên hệ được với Hồng. “Tôi cũng lo hay vì mình mà cô ấy nghĩ quẩn, nên lại cất công đi tìm, may mà về tới quê cô ấy thì gặp”, Hạ Lam chia sẻ.

Tại đây, Hồng nói rằng muốn giữ lại cái thai và đứa con đó không phải của anh Hùng. Nghe Hồng tâm sự và nhìn hoàn cảnh gia đình, Hạ Lam cũng có chút động lòng và không muốn làm khó cho cô. Thế nhưng, Lam đặt ra giả thiết: “Nếu đứa trẻ sinh ra là con của chồng cô thật thì sẽ ra sao?”. Vậy là cô lại ngồi lại bàn bạc với Hồng, rồi cả hai thống nhất sẽ xét nghiệm huyết thống cho cái thai trong bụng, mọi chi phí Lam chịu hết. Đó cũng là lý do Hạ Lam phải gọi điện trong đêm nhờ giám đốc trung tâm xét nghiệm tư vấn.

Bà Nga cho biết, gặp tình huống như chị Lam mà vẫn bình tĩnh xử lý vấn đề thấu tình, đạt lý là hiếm có.

“Giờ đây khi biết chính xác đứa bé trong bụng Hồng không phải con của chồng mình, tôi đã tha thứ cho cô ấy và cả cho chồng. Tôi chỉ nói với chồng rằng, đó là bài học lớn cho anh, bởi nếu không làm xét nghiệm ADN thì chính chồng tôi cũng phải “đổ vỏ”, Hạ Lam nói.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, bà rất khâm phục sự bình tĩnh, bao dung và vị tha của người vợ này. Với nhiều người, khi phát hiện chồng cặp bồ và gặp vấn đề như vậy chắc chắn ít ai còn đủ tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý vấn đề thấu tình, đạt lý được như vậy.

Xét nghiệm ADN xác định quan hệ huyết thống hiện có thể thực hiện được ngay khi em bé còn ở trong bụng mẹ. Có hai phương pháp thực hiện, đó là phương pháp xâm lấn và không xâm lấn.

- Phương pháp xâm lấn là sử dụng mẫu nước ối hoặc tế bào nhau thai để phân tích. Pháp này phải có sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro với thai nhi và người mang thai.

Khi thực hiện phương pháp xâm lấn để lấy nước ối, người mẹ sẽ đối diện với nguy cơ như rò ối, nhiễm trùng tử cung, sinh non hay thậm chí là sảy thai. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi thực hiện bất kể xét nghiệm nào xâm lấn vào bào thai cần phải có sự cân nhắc, tư vấn và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

Thai phụ mắc bệnh tim mạch không nên chọc ối. Những trường hợp khác, nếu chọc ối cần có thời gian nghỉ ngơi sau đó, không đi lại nhiều, tránh căng thẳng, không quan hệ tình dục trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng sau.

- Phương pháp không xâm lấn là sử dụng mẫu máu của người mẹ để phân tích. Lý do là vì khi mang thai, máu của mẹ có tồn tại ADN tự do của thai nhi, điều này giúp so sánh với với trình tự gen của người cha nghi vấn, từ đó giúp xác định có hay không mối quan hệ huyết thống giữa thai nhi và người cha nghi vấn.

Với phương pháp này dù chi phí đắt đỏ hơn, thời gian phân tích lâu hơn nhưng sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu phải thực hiện xét nghiệm ADN nên chọn phương pháp không xâm lấn.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Tác giả: LÊ PHƯƠNG

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP