Sau một loạt thương vụ thâu tóm Metro Cash & Carry Việt Nam, Big C, Nguyễn Kim, đầu tư vào Vinamilk..., mới đây nhất, bóng dáng người Thái lại xuất hiện trong thương vụ bán vốn nhà nước tại Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Việc nắm cổ phần chi phối tại Sabeco sẽ giúp nhà đầu tư Thái Lan dễ dàng chiếm lĩnh thị trường bia rượu tại Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH |
Theo công bố chính thức của Bộ Công Thương, nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn, dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco là Công ty TNHH Vietnam Beverage. Doanh nghiệp này có mối quan hệ hết sức mật thiết với Tập đoàn Thai Beverage của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Công ty TNHH Vietnam Beverage có vốn điều lệ hơn 681 tỉ đồng và được sở hữu 100% bởi Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, 49% F&B Alliance Việt Nam nằm trong tay một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited. Trong khi đó, Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage. Đây được xem là chiêu thức để tỉ phú Thái Lan chào mua Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước và có thể mua tối đa số cổ phần tại Sabeco mà Bộ Công Thương chào bán (lên tới 53,59%).
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc có nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần Sabeco sau khi công bố giá khởi điểm chào bán 320.000 đồng/cổ phiếu đã thể hiện sự hấp dẫn của Sabeco đối với nhà đầu tư nước ngoài. "Mức giá khởi điểm mặc dù theo đánh giá của nhà đầu tư là khá cao nhưng tương đối khả thi và chấp nhận được" - đại diện bộ khẳng định.
Bộ Công Thương cũng lưu ý đến việc nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam để mua cổ phần nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán, đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện và pháp lệnh về quản lý ngoại hối.
Bình luận về những mánh lới của nhà đầu tư nước ngoài nhằm giành được lợi thế chi phối tại Sabeco, chiếm được thị phần cao hơn quy định..., chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng việc các nhà đầu tư ngoại quốc sử dụng những chiêu thức "lọc lõi" để có lợi nhất cho họ mà không vi phạm pháp luật cũng là chuyện rất bình thường. Việc cần làm đối với những nhà làm chính sách là tỉnh táo sau một số bài học bị thâu tóm để có những quy định ngăn chặn việc bị mất trắng thương hiệu.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, việc thâu tóm dẫn đến mất thương hiệu thực sự là đáng tiếc đối với những tên tuổi đã được dày công gây dựng nhưng đây là cuộc chơi sòng phẳng trong nền kinh tế thị trường và phải chấp nhận. Câu chuyện quyền lợi người tiêu dùng sau này mới là điều đáng quan tâm.
"Với quy chế của Bộ Công Thương là hạn chế nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát, có thể chúng ta sẽ không mất cái tên Sabeco. Ông chủ mới có thể đưa sản phẩm ngoại vào nhằm tận dụng hệ thống phân phối, cơ sở vật chất sẵn có để tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu là sản phẩm tốt, mang lại lợi nhuận, nộp thuế cho nhà nước thì vẫn có ý nghĩa với nền kinh tế, với người dân. Việc cộng sinh để cùng phát triển khi đó lại là tốt" - ông Đức nhìn nhận.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Lại Tiến Mạnh cho rằng người tiêu dùng luôn có xu hướng thay đổi thương hiệu yêu thích qua thời gian. Nếu đưa thương hiệu khác vào mà đáp ứng được nhu cầu, bảo đảm tính thị trường thì hoàn toàn có thể chấp nhận, không nên nặng nề chuyện bị mất thương hiệu.
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí