Giáo dục

Người phụ trách “ghế nóng” thi cử Sơn La, Hòa Bình: “Chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ”

“Là một trong những “điểm nóng” gian lận thi cử của năm 2018, chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề, áp lực lo lắng đến mất ăn mất ngủ”.

"Lo đến mất ăn mất ngủ"

Cũng như những địa phương khác, những ngày này, Hòa Bình và Sơn La đang căng mình trước kì thi THPT quốc gia 2019.

Đây là hai trong số các địa phương tổn thất nặng nề về nhân lực khi những người có kinh nghiệm làm công tác thi trong nhiều năm đã bị cách chức, nên việc tổ chức kì thi được dư luận và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm.

Nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo thi nói đùa với chúng tôi: “Giờ có cho thêm tiền cũng không ai dám gian lận, bởi bài học của năm ngoái quá khủng khiếp”.

Nói thì nói vậy, nhưng những người làm công tác thi ở đây, các lãnh đạo ở Bộ GD&ĐT đều hiểu: “Tuyệt đối không được chủ quan từ những chi tiết nhỏ nhất”.

Nói thế để thấy, quyết tâm lấy lại niềm tin của những địa phương từng trải qua “cơn bão” gian lận thi cử như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Hoà Bình năm 2019.

Chia sẻ trước đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An dẫn đầu, đến kiểm tra việc chấm thi tại địa phương, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia tỉnh Hoà Bình cho hay: “Hoà Bình là “điểm nóng” của gian lận thi cử năm 2018. Do đó chúng tôi nhận thấy trách nhiệm rất nặng nề, áp lực lo lắng đến mất ăn mất ngủ”.

Ông cho biết thêm, trước, trong và sau khi thi, đích thân ông đều phải đi kiểm tra các địa điểm thi liên tục bởi không đi kiểm tra. Mặc dù ông có thể ở nhà nghe báo cáo nhưng làm thế không thể yên tâm bởi nhỡ đâu đó lại có sai sót.

Đặc biệt, để rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay các thành viên của Ban chỉ đạo thi ở Hoà Bình đều phải viết kế hoạch chi tiết để có sai sót gì, căn cứ vào đấy kiểm điểm rất rõ.

“Quan điểm của tỉnh, phải đúng chất lượng dạy học nhưng không được để xảy ra sai sót nhằm lấy lại hình ảnh của ngành Giáo dục Hoà Bình. Chúng tôi mong muốn “cơn bão” năm 2018 qua đi và ngành Giáo dục Hoà Bình sẽ bình yên trở lại”, ông Chương nói.

Không vì gian lận mà “đánh” thấp điểm của thí sinh

Tại Sơn La, điều đặc biệt năm nay, ở khu vực chấm thi, các nhân viên an ninh đều lăm lăm trên tay chiếc máy kiểm tra thiết bị điện tử, kiểm tra cán bộ vào khu vực.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, thành viên Ban chỉ đạo thi THPTquốc gia 2019 cho rằng, chỉ cần có ý định, kể cả việc kiểm soát máy móc chặt chẽ vẫn có thể xảy gian lận ở các khâu. Thậm chí ngay cả ở việc vận chuyển đồ ăn, người gian lận có thể dùng các giấy nhỏ, ghi số báo danh và đưa vào hội đồng chấm.

Do đó, ông cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu, không được lơ là. Thậm chí, có thể kiểm soát cả những rác thừa vận chuyển ra sau bữa ăn ở các hội đồng chấm thi, nơi làm phách.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Sơn La thừa nhận: “Áp lực lắm chứ. Qua kì thi năm nay, lo đến bạc hết cả đầu. Cán bộ thì mới, nhiều người làm công tác thi chưa quen do các cán bộ kì cựu bị cách chức trước đó vì gian lận điểm thi. Thế nhưng, trách nhiệm đã được giao phó, anh em phải cố gắng hoàn thành tốt”, ông Hoàng nói.

Được biết, ông Nguyễn Huy Hoàng nguyên là Bí thư Huyện ủy Vân Hồ, sinh năm 1964, là phó giáo sư, có bằng tiến sĩ Giáo dục học, chuyên ngành Quản lý giáo dục; cử nhân khoa học chuyên ngành Sư phạm Vật lý, cử nhân kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh danh và cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước.

Ông Hoàng trở thành tân Phó giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Sơn La chỉ vài ngày trước khi kì thi THPT quốc gia 2019 diễn ra. Ông cũng là Phó giám đốc được bổ nhiệm sau bê bối gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở địa phương này.

Trước thời điểm đó khoảng 1 tháng, ông Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Yên Châu cũng được bổ nhiệm chức vụ tương tự.

Trong kì thi này, ông Nguyễn Văn Chiến là Phó ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thi Sơn La, người nắm giữ "tay hòm chìa khoá" của việc chấm thi.

“Không chỉ riêng Sơn La mà Bộ GD&ĐT đã lưu ý rất chặt về các quy trình chấm thi nên không thể có tiêu cực. Điểm năm nay khá thấp, điểm trên trung bình không nhiều”, ông Chiến cho biết.

Chia sẻ về việc do năm ngoái nhiều bài đạt điểm cao là do tiêu cực. Vì vậy, nhiều địa phương “đánh” điểm của thí sinh xuống thấp. Ông Chiến khẳng định, điều đó hoà toàn không đúng.

“Trước khi chấm, chúng tôi đã quán triệt tới từng giám khảo. Không nên vì vết xe đổ gian lận điểm thi của năm ngoái để đánh giá không đúng năng lực của thí sinh. Trước hết phải làm đúng quy trình, đúng chỉ đạo và chấm theo đúng barem điểm”, ông Chiến nói.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP