Xã hội

Người đàn ông nhiễm HIV sau một lần xăm hình

"11 năm trước, lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi quyết định xăm hình. Không ngờ, chính quyết định ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi", K. nhớ lại.

T.V.K. (sinh năm 1978, ở Đống Đa, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện 09, mang trong mình căn bệnh HIV.

Nằm trên giường bệnh, K. liên tục lướt điện thoại để xem hình cậu con trai hai tuổi. Anh cho biết con trai chính là niềm hãnh diện của mình.

Lây nhiễm HIV chỉ vì một hình xăm

"11 năm trước, lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi quyết định xăm hình. Không ngờ, chính quyết định ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi", K. nhớ lại.

Anh bị nhiễm HIV bởi kim xăm hình được dùng chung cho nhiều người và không được vô trùng cẩn thận. Cầm tờ giấy khám sức khỏe, anh ngã gục khi biết mình dương tính với HIV.

Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, người đàn ông này cho rằng hạnh phúc chắc chắn sẽ không bao giờ đến với mình.

Con trai là niềm hãnh diện với K sau nhiều năm bị bệnh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Vậy mà, cuộc đời bất ngờ đã đem đến cho anh một người phụ nữ. Dù biết anh mang bệnh, chị vẫn quyết định ở bên. Cả hai đã cùng nhau đi đến nhiều trung tâm để tìm hiểu về căn bệnh. Họ xác định HIV không dễ dàng lây nhiễm nếu mỗi người đều có ý thức.

Bất chấp sự phản đối của gia đình, chị M. vẫn quyết tâm lấy anh K. làm chồng. “Tôi biết ơn vợ nhiều lắm. Nhờ cô ấy tôi mới đủ can đảm sống tiếp đến bây giờ. Lúc nào cô ấy cũng động viên, lo lắng cho tôi”, K. liên tục nói về vợ suốt cuộc trò chuyện.

5 năm sau ngày cưới, chị vẫn không hề lây nhiễm HIV từ chồng. Đặc biệt, hai vợ chồng còn có thêm một bé trai. Bé hoàn toàn khỏe mạnh và âm tính với căn bệnh của bố. Hiện tại, vợ chồng anh K. quản lý một tiệm gội đầu tại Hà Nội. Bệnh nhân này luôn duy trì uống thuốc đều đặn để có thể kéo dài sự sống.

Chia sẻ về nguy cơ khi lây nhiễm HIV khi xăm hình, bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều, cảnh báo người xăm hình, sử dụng chung kim, mực xăm mà không được xử lý hấp sấy tiệt trùng, khả năng lây các truyền nhiễm qua đường máu như viêm gan B, viêm gan C và HIV hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, để tránh lây nhiễm bệnh, cần tìm các cơ sở uy tín, đảm bảo dụng cụ, mực xăm đều được vô trùng cẩn thận.

Bệnh nhân HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (Hà Nội), cho biết thực chất việc lây truyền HIV không dễ nếu hiểu đúng về bản chất con đường lây truyền.

Trong đó, việc lây qua đường tình dục được đánh giá thấp nhất nhưng do tần suất quan hệ của con người hàng ngày, hàng giờ cao, khả năng nhân bệnh lớn nên trở thành nguy cơ được đưa lên hàng đầu.

Những trường hợp quan hệ thô bạo làm rách thành âm đạo gây chảy máu, hoặc tổn thương niêm mạc của dương vật nhưng phải ở mức độ sâu mới có thể lây bệnh sang đối phương.

Ngược lại, quan hệ tình dục có quá trình ái ân, tiết đủ dịch sinh dục để bôi trơn, khả năng lây bệnh cho đối tác không cao. Bác sĩ Hưng tiết lộ bệnh nhân của anh có người nhiễm HIV 16 năm nay, có 3 đời chồng song không hề lây bệnh cho người chồng nào.

Bác sĩ Hoàng Hải Hà khám bệnh cho một bệnh nhân AIDS. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bác sĩ Hoàng Hải Hà, khoa Nội, cũng cho biết thêm nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, lượng virus HIV trong cơ thể sẽ được kiểm soát. Đối với trường hợp của anh K., ngay cả khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su với vợ, khả năng lây bệnh vẫn khó xảy ra.

“Trong trường hợp bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ hỗ trợ để họ uống thuốc và làm xét nghiệm. Khi tải lượng virus HIV trong người được kiểm soát ở mức thấp nhất có thể, họ hoàn toàn có khả năng sinh con như người bình thường”, bác sĩ Hà thông tin.

Các chuyên gia nhấn mạnh những bệnh nhân H được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao và không lây bệnh cho người khác.

Do đó, xã hội cần thay đổi cách nhìn với căn bệnh này. Đồng thời xóa bỏ sự kỳ thị nhẫn tâm lên người bệnh. Họ hoàn toàn có thể có cuộc sống bình thường như những người khác.

Tác giả: Hà Quyên

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP