Trong nước

Người dân đang phải gánh hơn 300 loại phí, lệ phí

Danh mục các loại phí và lệ phí, Chính phủ quy định chi tiết 301 khoản thu trong đó 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí.

Ba cơ quan có thẩm quyền ban hành các loại phí, lệ phí là: Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Báo Dân trí dẫn lời ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết,  pháp lệnh hiện hành quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công do cả Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định.

Với hơn 6 triệu xe máy đăng ký trên địa bàn, số tiền phí sử dụng đường bộ TP HCM dự kiến thu được khoảng 307 tỷ đồng
Với hơn 6 triệu xe máy đăng ký trên địa bàn, số tiền phí sử dụng đường bộ TP.HCM dự kiến thu được khoảng 307 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Thi, điều này chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, dự kiến sẽ quy định phạm vi điều chỉnh theo hướng Danh mục các khoản phí và lệ phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước cung cấp; trường hợp dịch vụ đó do doanh nghiệp cung cấp thực hiện giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá.

Trước nhiều ý kiến cho rằng người dân đang phải chi trả quá nhiều khoản phí, lệ phí, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng, người dân cần phân biệt rõ đâu là phí, lệ phí và đâu là giá dịch vụ.

“Khi đi vào một khu du lịch phải mua vé vào cửa, vào trong khu du lịch phải trả vé sử dụng các dịch vụ… Khoản tiền trả để mua vé đó đều được người dân gọi là phí nhưng thực ra là giá dịch vụ do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu du lịch đưa ra. Mà giá dịch vụ thì được thực hiện theo cơ chế thị trường và không được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm về phí và lệ phí”, ông Thi nói.

Ông Thi khuyến nghị: “Khi ở đâu đó đề ra một khoản thu thì các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân tổ chức thu cần giải thích rõ cho đối tượng trả khoản tiền đó bản chất đấy là giá chứ không phải phí, lệ phí do Nhà nước thu để tránh hiểu nhầm”.

 TP.HCM: ĐBQH vừa đề nghị xem lại phí đường bộ, TP đã thu

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong tháng 7/2015, toàn bộ các phường, xã ở TP.HCM sẽ triển khai đại trà thu phí đường bộ đối với xe gắn máy.

Thông tin này được đưa ra chỉ sau một tuần khi thảo luận tổ về Luật phí và lệ phí chính các đại biểu QH đoàn TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính rà lại phí bảo trì đường bộ dành cho xe máy, nếu không phù hợp thực tiễn nên bỏ.

Khi đó đại biểu Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng: “Muốn vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước. Nếu cứ thu thêm một khoản nữa, sợ rằng đó là tận thu của dân”.

Ngoài ra, ĐB Ánh cũng nếu một thực tế khác là xe máy là phương tiện gắn nhiều với đời sống người nghèo. Nhiều khi chiếc xe máy chỉ mấy triệu đồng. “Như vậy có tính hợp lý hay không”, bà Ánh đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các loại phí để khi ban hành phù hợp với thực tế.

Trước việc các đại biểu vừa nêu kiến nghị được 1 tuần thì địa phương lên tiếng thu phí đồng loạt, trao đổi với Đất Việt bên hành lang Quốc hội ngày 5/6, bà Ánh bình luận: “Đây là chuyện bình thường vì phí đường bộ đã quy định từ lâu”.

“Trước mắt chúng ta cứ thực hiện theo như quy định của Chính phủ nhưng về trách nhiệm của chúng tôi khi lắng nghe ý kiến của người dân thì phải phản ảnh tới Quốc hội, với Bộ GTVT nghiên cứu xem xét lại vấn đề này. Về phí đường bộ đối với xe máy hiện nay chưa hợp lý thì cần phải nghiên cứu xem xét thêm”, bà Ánh nói.

(Theo Dân trí, ĐVO)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP