Quang cảnh buổi hội thảo.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trải qua 15 năm, trong đó gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ giữa năm 1936 đến tháng 3 năm 1938). Trong quá trình hoạt động và trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng, với quê hương, đất nước.
Hội thảo đã nhận được 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học. Các tham luận tập trung vào 6 nội dung chính gồm: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và con người đồng chí Hà Huy Tập; hoạt động của đồng chí Hà Huy Tập trong tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng; đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập trong bảo vệ và xây dựng Đảng; đồng chí Hà Huy Tập- nhà lý luận xuất sắc của Đảng, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam; Hà Huy Tập- người dâng hiến trọn đời cho Đảng và dân tộc; ảnh hưởng của đồng chí Hà Huy Tập đối với nhân dân và Đảng bộ Hà Tĩnh.
Đề dẫn hội thảo nhấn mạnh: “Hà Huy Tập là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu, một Tổng Bí thư kiên trung, bất khuất của Đảng. Đồng chí đã phấn đấu, không mệt mỏi hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Hà Huy Tập đã đi xa nhưng quan điểm của đồng chí về công tác xây dựng Đảng vẫn mang hơi thở thời đại, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.
Các tham luận đều đánh giá cao đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đối với cách mạng Việt Nam. Ông cũng là một cây bút chiến sắc sảo, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một Tổng Bí thư tài ba của Đảng. Ông không những dùng trí tuệ, tài năng, ngòi bút mà còn giữ vững bản chất, khí tiết của người cộng sản để xây dựng và bảo vệ Đảng. Điều đó thể hiện ngay đến cả giây phút cuối cùng khi đồng chí bị thực dân Pháp tuyên án tử hình, đứng trước tòa, ông vẫn khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.
Nói về khí tiết của đồng chí Hà Huy Tập, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Tấm gương và hoạt động cách mạng, khí tiết của đồng chí Hà Huy Tập đã soi sáng, cổ vũ các thế hệ những người cộng sản tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, ra sức xây dựng và bảo vệ Đảng- đội tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Hạnh Nguyên