Tự chủ, mỗi năm ngân sách giảm 1.000 tỷ chi cho mỗi bệnh viện lớn
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Báo cáo khái quát về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu nhiều con số: Ngành Y tế hiện có 3 bệnh viện đã tự đảm bảo yêu cầu chi thường xuyên và đầu tư. Bộ cũng đang cho 4 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn bộ các nội dung, tương đương như doanh nghiệp tự chủ. Còn lại, phần lớn bệnh viện cũng đã tự chủ được 85%.
Tự chủ về chuyên môn là kết quả nổi bật đạt được, theo Bộ trưởng Y tế. Các bệnh viện đã tự xây dựng khoa, phòng, tự đào tạo, tính tự chủ tăng lên. Bệnh viện cấp nào cũng phải tìm cách phối hợp với bệnh viện lớn, hạt nhân ở Trung ương để nâng rõ rệt trình độ chuyên môn, khả năng ứng dụng kỹ thuật cao.
Vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều đơn vị đã vay vốn từ ngân hàng, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Các bệnh viện quản lý chặt chẽ nguồn thu, sử dụng tiết kiệm, có nguồn thu để chi thu nhập tăng thêm nên thu nhập của cán bộ y tế ở những bệnh viện như vậy khá hơn hẳn, thu hút được nguồn nhân lực tốt của ngành y tế cho việc khám chữa bệnh.
Từ việc này, năm 2018, kinh phí chi trực tiếp cho các bệnh viện giảm được 9.450 tỷ đồng so với 2017, so với thời điểm trước 2012, các nguồn kinh phí hoàn toàn do ngân sách cấp thì con số này càng thể hiện sự thay đổi lớn. Ngoài ra, ngành còn giảm được số người hưởng lương từ ngân sách. Năm 2018, toàn ngành giảm được trên 100.000 người, riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý giảm 30.000 người. Riêng 4 bệnh viện đặc biệt lớn đang được thí điểm tự chủ toàn bộ, số chi ngân sách cắt giảm được trung bình là 1.000 tỷ/bệnh viện/năm.
Về vướng mắc, khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Y tế nêu hàng loạt biểu hiện như sự phân hoá về chất lượng dẫn đến vượt tuyết, quá tải bệnh viện tuyến Trung ương. Tự chủ quá nhiều cũng tạo nên sự bất công bằng giữa người thu nhập cao với người thu nhập thấp. Tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế, vì thế, cũng cao hơn. Cũng có tình trạng lạm dụng các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tình trạng gửi máy, đưa bệnh nhân ra ngoài khám máy dịch vụ… Theo Bộ trưởng Y tế, những vấn đề đó, nước nào khi làm tự chủ bệnh viện cũng mắc.
Muốn bệnh viện có nhà vệ sinh 3 sao thì bác sĩ phải tăng xét nghiệm, kê thuốc
Về câu hỏi, tự chủ bệnh viện có ảnh hưởng tới người nghèo, Bộ trưởng Y tế thừa nhận, ở tuyến cao nhất, ở những bệnh viện hạng đặc biệt thì người có điều kiện kinh tế được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, ở đây cũng tập trung những bệnh nhân nặng nhất mà cũng vẫn khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế cho người dân. Theo đó, nguồn thu của các bệnh viện này vẫn trên 60% đến từ bảo hiểm y tế.
“Những trường hợp ghép gan, tim vừa rồi hầu hết là bệnh nhân nghèo, khó khăn cả, do bệnh viện tuyến dưới không giải quyết được, chuyển lên. Như vậy thì nghĩa là, nhìn chung, người nghèo cũng được hưởng lợi từ chính sách tự chủ” – Bộ trưởng khẳng định.
Với vấn đề lạm thu ở bệnh viện thực hiện tự chủ, Bộ trưởng Y tế giải thích, để cải thiện bệnh viện, cải thiện chất lượng dịch vụ, từ giường bệnh tới chăn, ga trải giường đều phải thay mới thường xuyên, bệnh viện phải có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tối thiểu là 3 sao trở lên, môi trường xanh, sạch, chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt… nên đương nhiên bệnh viện phải thu nhiều. Vì vậy, hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc... là có, cũng vì yêu cầu tăng chi, bệnh viện cần có nguồn thu nhiều hơn nên để bác sĩ chỉ định dịch vụ kỹ thuật, kê thuốc vượt danh mục bảo hiểm thanh toán.
Bộ Y tế đã ban hành quy định về chống trục lợi, lạm dụng để tăng cường giám sát vấn đề này.
Tham gia giải trình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan bảo hiểm đã áp dụng nhiều biện pháp để chống lợi dụng, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm như áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát. Vậy nên cơ quan bảo hiểm mới phát hiện được những trường hợp người đã cắt tử cung rồi vẫn đi đẻ, một bệnh nhân được yêu cầu thanh toán chi phí mổ… 3 mắt. Nhưng những trường hợp này khi truy lại phía bệnh viện thì chỉ nhận được giải trình là… nhầm. Duy nhất trường hợp người phụ nữ đã cắt bỏ tử cung vẫn đi đẻ được thừa nhận là do chị gái (đã cắt bỏ tử cung) cho em gái mượn thẻ bảo hiểm y tế để đi đẻ.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí