Xã hội

Người bệnh bóc mẽ khả năng chữa bệnh của "Công chúa thuốc lào"

1 tuần sau khi được cô Nhung chữa bệnh bằng cách rút lưỡi để mong nói được như người bình thường, nhưng nỗi sợ của người bệnh vẫn còn nguyên vẹn. Trải qua đau đớn ghê gớm, rốt cuộc cố tật của họ vẫn còn nguyên.

Khi được hỏi về hiệu quả phương pháp chữa bệnh của “Công chúa thuốc lào” (tên thật là Nguyễn Nhung – PV), bà Ngô Thị Hương (59 tuổi, thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) vẫn còn rùng mình. Bà là người được cô Nhung rút lưỡi để có thể nói được tròn tiếng như cách đây khoảng 10 năm về trước.

Tuy nhiên, đổi lại của việc khỏi bệnh, bà Hương mất 5 ngày phải húp cháo vì lưỡi đau, thậm chí còn chảy máu.

“Đau… không khỏi… đau lắm”, dù phải khó nhọc lắm mới phát âm được 1 tiếng nhưng bà Hương vẫn cố gắng truyền tải cho chúng tôi biết cách chữa bệnh bằng phương pháp đầy đau đớn của cô Nhung.

Nói rồi, bà Hương lấy chiếc khăn mặt tự đưa vào lưỡi mình để miêu tả lại động tác cô Nhung đã từng làm với bà khi chữa bệnh. Chốc chốc, bà Hương lại rùng mình và lắc đầu.

Cũng thôn Cán Khê có chị Đảm bị câm bẩm sinh, nghe danh cô Nhung nên cũng tìm tới nhà văn hóa thôn – nơi cô Nhung “hành nghề” để thử vận may. Giống như bà Hương, cái mà chị Đảm nhận về cũng là sự đau đớn. Mỗi lần miêu tả lại cách cô Nhung chữa bệnh cho mình, chị Đảm lại nhún người lắc đầu. “Đau!” và “không khỏi” cũng là tất cả những gì chị Đảm muốn nói qua từng cử chỉ của đôi tay và những nét biểu cảm trên mặt.

Tại thôn Cán Khê nơi cô Nhung chữa bệnh chân tay co quắp, bị liệt hay không nói được, bên cạnh những người tự cảm nhận được chân tay mình có chút thay đổi sau khi được nắn mạnh bàn chân, bàn tay thì không ít ngườii lắc đầu, thở dài thất vọng.

Vừa cõng bà nội ra xe để về Quảng Ninh, chị Ngọc vừa cười gượng: “Không ăn thua”. Nói rồi, chị vội vã cõng bà đi.

"Công chúa thuốc lào" dùng hết sức để nắn chân cho người bệnh.

Gia đình ông Thiên (Hà Nam) cũng đành ngậm ngùi đưa đứa cháu 8 tuổi bị "đao" bỏ dở buổi chữa bệnh để trở về. Bởi lẽ, cháu nội của ông được cô Nhung rút lưỡi nhưng chỉ vừa mới thực hiện được vài ba giây, cháu ông đã khóc lên đau đớn và muốn bỏ chạy. Ông cùng hai con đành đưa cháu ra về.

PV báo Người Đưa Tin đã tìm về gia đình chồng của cô Nhung ở thôn Dốc Lã (Yên Thường, Gia Lâm). Ở đây ai cũng biết tiếng của người phụ nữ này, tuy nhiên, họ chỉ biết cô Nhung có thể bói toán, hát hay và còn đi hầu đồng.

Trước câu hỏi của PV về khả năng chữa bệnh “thần kỳ” của cô Nhung, ai nấy đều tỏ ra lạ lẫm. Ngay cả mẹ chồng, anh trai chồng cô Nhung cũng lắc đầu.

Cũng theo người nhà cô Nhung, gần 1 tháng nay cô không về nhà ở Dốc Lã nữa mà đã chuyển sang nhà mua ở khu Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Các “đệ tử” của cô đồng loạt thông tin, cô Nhung không nghe điện thoại cũng không chữa bệnh ở nhà nên dù có số điện thoại cũng không thể liên lạc được với “Công chúa thuốc lào”.

Tác giả: Nguyễn Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP