>Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam (Kỳ 4)
Những việc làm bất thường của Đoàn kiểm tra huyện Nghi Xuân
Từ vụ tiêu cực nghiêm trọng ở xã Cương Gián bị người dân tố cáo, tháng 7/2006, đoàn kiểm tra của UBND huyện Nghi Xuân về địa phương làm việc. Thế nhưng thay vì làm việc khách quan, trung thực, Đoàn kiểm tra lại có cách làm việc thể hiện rõ sự “bao biện” cho sai phạm của cán bộ xã Cương Gián.Đoàn kiểm tra do bà Hoàng Thị Hải, UVBTV, Trưởng ban kiểm tra huyện uỷ Nghi Xuân làm trưởng đoàn. Đối với một số người đứng tên trong đơn tố cáo, như ông Chu Văn An, Nguyễn Hữu Vượng, Lê Văn Hữu… đã được Đoàn kiểm tra của huyện “mời” lên làm việc, với những câu hỏi như: Tại sao ông làm thế? Ai cho phép làm thế? Một số đảng viên bị đe doạ khai trừ khỏi Đảng.
Văn bản số 29 – TB/HU ngày 26/1/2007, Huyện uỷ Nghi Xuân kết luận: “Đội ngũ cán bộ, công chức xã nhiệm kỳ 2004 – 2009 tham gia quá nhiều vào các khoá học…đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư thời gian, tư duy, công sức cho công tác quản lý ở cơ sở”. Ông Nguyễn Văn Tiên, 80 tuổi đời, 60 tuổi đảng bị đưa ra kiểm điểm trước chi bộ vì hướng dẫn người dân viết đơn tố cáo sai phạm của cán bộ xã. Hành vi này của cán bộ trong Đoàn kiểm tra của huyện Nghi Xuân bị ông Trần Minh, nguyên cán bộ thanh tra nhân dân và nhiều người dân khác, tố cáo là “trấn áp” những người tố cáo tiêu cực.Đối tượng sai phạm bị tố cáo là các lãnh đạo chủ chốt của xã Cương Gián. Thế nhưng trong thời gian đoàn kiểm tra của huyện về làm việc, các cán bộ này không bị tạm đình chỉ công tác để đảm bảo tính khách quan cho công tác thanh, kiểm tra, mà vẫn ung dung đương chức để “phối hợp tích cực” với đoàn kiểm tra của huyện.Người dân phản ánh, trong quá trình Đoàn kiểm tra huyện làm việc, nhiều cán bộ xã phải thức đêm để hợp lý hoá hồ sơ, chứng từ.Không đồng tình với cách làm việc và kết luận của Đoàn kiểm tra huyện Nghi Xuân, người dân Cương Gián tiếp tục viết đơn tố cáo lên tỉnh và TW. Tháng 3/2008, huyện Nghi Xuân lại thành lập Đoàn công tác củng cố cơ sở chính trị ở xã Cương Gián, do ông Nguyễn Đức Tùng, Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn. Đoàn đã chia làm 5 nhóm đi khắp 15 thôn trong xã, thông báo với dân là cán bộ Cương Gián không tham ô lợi dụng, chỉ có “lỗi” chứ không có “tội”, chỉ làm sai nguyên tắc, sai đường lối, không cần thiết phải xử lý hình sự…
Sai phạm là do xã “bức bách” nguồn thu và cán bộ bận đi học?
Tại văn bản số 29 – TB/HU ngày 26/1/2007 (sau 6 tháng kể từ khi thành lập Đoàn kiểm tra), Huyện uỷ Nghi Xuân đã thông báo kết luận về kết quả kiểm tra ở xã Cương Gián. Bản kết luận này sau khi nêu các sai phạm diễn ra ở xã Cương Gián trong các lĩnh vực, đã nêu các nguyên nhân dẫn đến sai phạm.“Nguyên nhân khách quan” đầu tiên mà Huyện uỷ Nghi Xuân cho là đã dẫn đến sai phạm ở Cương Gián: “Xuất phát từ những khó khăn của địa phương, dân số đông, nhu cầu về đất ở của nhân dân lớn, trong khi đó nguồn thu ngân sách khó khăn, yêu cầu bức bách của việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội…”. Thế nhưng, theo phản ánh của dân, trong thời gian xẩy ra sai phạm, xã Cương Gián không hề gặp khó khăn trong nguồn thu, do dân có nguồn tiền dồi dào của những người XKLĐ gửi về, mọi quy định đóng góp của xã đều được dân thực hiện đầy đủ. Mà dân không đóng góp cũng “không xong”, vì sẽ bị xã gây khó dễ trong việc làm hồ sơ đi XKLĐ.
Văn bản số 383/UBND-TT ngày 27/5/2010 do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hiền Lương ký, viết: “…bên cạnh đó vẫn có một số ít đối tượng còn duy ý chí, cố chấp, được thua, vì động cơ cá nhân tiếp tục đơn thư sao gửi nhiều nơi, nói trái với quá trình giải quyết đã qua, làm ảnh hưởng tình hình an ninh, chính trị ở địa phương”.Thứ hai là do “Đội ngũ cán bộ, công chức xã nhiệm kỳ 2004 – 2009 tham gia quá nhiều vào các khoá học, các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, bổ túc văn hoá, đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư thời gian, tư duy, công sức cho công tác quản lý ở cơ sở”. Điều lạ là tuy có ít thời gian đầu tư cho công việc quản lý, điều hành (do “bận học”), nhưng đội ngũ cán bộ xã Cương Gián lại có thời gian thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, nhiều “mánh khoé” để trục lợi? Về “nguyên nhân chủ quan”, có : “Ý thức chấp hành các qui định về quản lý đất đai của nhân dân chưa cao, chưa tự giác thực hiện việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục đề nghị chính quyền huyện, xã hoàn tất thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật định”. Như vậy, “quả bóng trách nhiệm” cho những sai phạm nghiêm trọng tại xã Cương Gián đã được huyện “đá” sang dân?Cán bộ sai phạm thì được biện minh quá “nhiệt tình”, nhưng người dân tố cáo sai phạm thì bị quy kết. Tại văn bản số 383/UBND-TT ngày 27/5/2010 do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hiền Lương ký, có đoạn: “Mặc dù các cấp thẩm quyền từ huyện đến tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra và đã xử lý khá nghiêm túc. Đồng thời cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cho việc củng cố cơ sở chính trị xã Cương Gián để ổn định tình hình. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn có một số ít đối tượng còn duy ý chí, cố chấp, được thua, vì động cơ cá nhân tiếp tục đơn thư sao gửi nhiều nơi, nói trái với quá trình giải quyết đã qua, làm ảnh hưởng tình hình an ninh, chính trị ở địa phương”.(Còn tiếp)
Quang Đại – Hà Vy/Tamnhin