Nghi Xuân

Nghi Xuân: Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam (Kỳ 2)

Ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), những chuyện “ngược đời” có thể tập hợp thành một cuốn “truyền kì” nhiều tập. Bên cạnh những tiêu cực kéo dài trong cấp bán đất đai, UBND xã này còn vi phạm nhiều quy định liên quan đến thủ tục cho người đi xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện (bên trái) : "Khi có kết quả thanh tra chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm"
Ông Nguyễn Hiền Lương – Chủ tịch UBND huyện (bên trái) : “Khi có kết quả thanh tra chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm”


>> Những chuyện “ngược đời” ở xã giàu nhất Việt Nam

“Quy hoạch” cả sân vận động, khuôn viên trường học để bán đất

Bán ồ ạt, quỹ đất eo hẹp, UBND xã Cương Gián đã nghĩ ra “diệu kế” là “quy hoạch” luôn cả sân vận động của xã, khuôn viên trường THCS Cương Gián để bán đất. Ông Nguyễn Duy Tùng ở thôn Ngư Tịnh, cựu chiến binh, từng bị địch giam giữ tại nhà tù Phú Quốc dẫn PV ra sân vận động của xã, chỉ vào vị trí nhà dân đã xây, trước vốn là sân vận động xã. Cả xã hơn 13.000 dân, có một sân vận động để người dân tập luyện, vui chơi cũng bị xẻo đất bán.
Một ngôi nhà xây dựng trên phần đất trước đây là sân vận động xãCòn trường tiểu học Cương Gián thì phải đập hàng rào, lùi vào trong hơn 1m, xây lại, để  đáp ứng kế hoạch bán đất của  UBND xã.Vị trí nền khuôn viên cũ của trường vẫn còn dấu tích, cao hơn sân vận động xã.

Em ở nước ngoài vi phạm, anh ở nhà nộp phạt

Mỗi người dân cần UBND xã chứng thực thủ tục xuất khẩu lao động phải nộp cho xã khoản lệ phí 150.000 đồng, sau tăng lên 200.000 đồng. Trong khi đó, quy định của nhà nước chỉ được phép thu lệ phí chứng thực hợp đồng lao động 20.000 đồng/trường hợp.
Trong quá trình lao động tại nước ngoài, một số lao động là con em xã Cương Gián tự bỏ ra ngoài làm vì những lí do khác nhau (bị đánh đập, ra ngoài làm có thu nhập cao hơn…).
Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động báo về địa phương, UBND xã Cương Gián gọi người nhà lên phạt, mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Bà Trương Thị Tý ngụ thôn Ngư Tịnh có con trai vi phạm hợp đồng ở nước ngoài, bị UBND xã gọi lên, giữ lại đến hơn 7 giờ tối, ra điều kiện: nộp tiền thì cho về.
Bà Hồ Thị Hoà, thôn Song Hồng và tờ giấy “phạt” 5 triệu đồng của UBND xã Cương Gián
Bà Hồ Thị Hoà ngụ thôn Song Hồng, có con trai làm ăn ở nước ngoài vi phạm hợp đồng, xã gọi con dâu là Lê Thị Mỹ lên “phạt” 5 triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Hiển (thôn Song Hồng) làm nghề tàu biển bên Hàn Quốc hết hạn hợp đồng ra ngoài làm, ở nhà anh trai là Nguyễn Hữu Khôi cũng bị “phạt” 2,5 triệu vì “lỗi” do em trai gây ra.
Nếu người dân không chịu nộp phạt thì sau đó UBND xã sẽ không chứng thực vào hồ sơ để làm thủ tục xuất khẩu lao động. Ông Trần Văn Thông, thôn Ngư Tịnh, vì không có tiền nộp “phạt” cho UBND xã đành bỏ xứ vào Nam làm ăn. Hàng trăm người dân xã Cương Gián đã phải bấm bụng chạy vạy chịu “phạt” như vậy.
Tiền “phạt” lại được UBND xã Cương Gián tìm cách hợp lý hoá bằng cách buộc người dân viết giấy nộp số tiền đó vào “Quỹ xây dựng quê hương”. Thu được tiền, xã Cương Gián không nộp vào ngân sách theo quy định mà lại đem đi gửi tín dụng. Từ năm 2001 đến năm 2006, UBND xã Cương Gián đã thu lệ phí chứng thực và tiền “phạt” dân như trên được hơn 870 triệu đồng và 400 USD.
Biên lai giấy “phạt” của UBND xã Cương Gián đối với ông Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Ngư Tịnh vì hành vi của con ông ở nước ngoài, nhưng lại buộc phải ghi là “Ủng hộ quỹ xây dựng quê hương” với số tiền 5 triệu đồng.

Đến khi người dân khiếu nại quá nhiều, để “chữa cháy”, UBND xã Cương Gián lại làm một việc “chẳng giống ai” là trả lãi suất cho người dân. Bà Hồ Thị Hoà cho biết, bà được UBND xã Cương Gián mời lên đàm phán, trả lại tiền lãi từ số tiền “phạt” hàng chục triệu đồng xã thu sai cách đây hàng chục năm, nhưng cũng chưa trả đủ, với lí do: gửi vào quỹ tín dụng được chừng nào thì trả cho dân chừng ấy. Tiền gốc xã không chịu trả, nhưng lại đòi biên lai thu tiền “phạt” trước đây, bà Hoà không đồng ý.

Đem hòm phiếu bầu HĐND xã về nhà “điều chỉnh” kết quả

Ngày 25/4/2004, trong đợt bầu cử đại biểu HĐND xã Cương Gián, tại khu vực bầu cử số 5 có 7 ứng cử viên, trong đó có ông Hoàng Minh Triết – Bí thư Đảng uỷ; ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã. Kết thúc bầu cử, Ban kiểm phiếu công bố ông Triết và ông Thanh trúng cử. Nghi ngờ, một số cử tri yêu cầu kiểm tra lại kết quả kiểm phiếu. Nhưng hòm phiếu đã biến mất, công an xã tổ chức truy tìm đến 19 giờ 30 phát hiện, bắt quả tang ông Nguyễn Khắc Dương (cán bộ xã) đem hòm phiếu về nhà, cùng ông Trần Đức Ninh (phó trưởng công an xã) đang chữa lại các phiếu bầu. Kết quả kiểm tra cho thấy ông Hoàng Minh Triết được viết thêm 135 phiếu, ông Lê Văn Thanh được “phù phép” thêm 50 phiếu.
Biên bản bắt quả tang hành vi gian lận phiếu của hai ông Nguyễn Khắc Dương và Trần Đức Ninh.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng hai ông Hoàng Minh Triết, Lê Văn Dương vẫn ung dung tại vị, không phải chịu trách nhiệm gì. Liệu ông Nguyễn Khắc Dương và Trần Đức Ninh có dám hành động liều lĩnh như vậy nếu không có sự tác động, bàn bạc, “bật đèn xanh” hay “nhờ vả” của hai ông Hoàng Minh Triết, Lê Văn Dương? Chưa hết, ông Nguyễn Khắc Dương sau đó còn được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng uỷ xã Cương Gián từ 2004, đến năm 2007 bị cách chức. Ông Trần Đức Ninh thì được “thăng chức” làm trưởng công an xã vào năm 2004. (Còn tiếp)

Quang Đại – Hà Vy/Tam Nhin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP