Bạn không thể tưởng tượng được câu chuyện về một chàng trai suốt ngày chỉ biết ngồi trên chiếc xe lăn, 25 năm chung thủy với một niềm đam mê đọc sách báo, trình độ học vấn chỉ đến lớp 2 nhưng đã trở thành một ông chủ quán nét, một người sửa chữa máy tính nổi tiếng, con người tật nguyền ấy còn làm chủ một quán cà phê lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong làng với thu nhập ổn định. Chưa học xong lớp 2, nhưng chữ viết, khả năng đọc sách báo, trình độ tin học, ngoại ngữ… thì những sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng cũng phải kính phục. Người viết nên câu chuyện cổ tích đẹp đến mê hồn trên quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du ấy chính là chàng trai Phan Đức Thuận, 36 tuổi, quê ở thôn 8, Cổ Đạm, Nghi Xuân- Hà Tĩnh.
TUỔI THƠ BẤT HẠNH
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Cổ Đạm, Thuận cũng như bao đứa trẻ trong xóm đã trải qua một tuổi thơ đầy vất vả. Chuyện cái ăn, cái mặc với Thuận đã khó, chứ chưa nói chuyện đến trường để xóa mù chữ. Vì vậy, mãi đến năm 8 tuổi Thuận mới đi học lớp 1, nghĩa là muộn đến 2 năm so với những đứa trẻ khác. Thuận là đứa con trai đầu trong một gia đình có tới 5 người con. Bố Thuận, ông Phan Đình Hữu (59 tuổi) là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là Dương Thị Châu (60 tuổi) cũng làm ruộng như bao gia đình khác trong vùng. Dù vất vả lo toan mọi thứ, nhưng bố mẹ vẫn cho Thuận và các em ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng tưởng cuộc đời của Thuận sẽ “thuận buồm xuôi gió” với một tương lai đầy hứa hẹn, thì số phận đã đưa đẩy chàng trai nghèo rẽ sang một hướng khác đầy mịt mù với nhiều tấn bi kịch đau đớn. Năm 1988, khi đang học lớp 2, trong một tiết học, tự nhiên trong người Thuận đầu óc choáng váng, chân tay rụng rời, người cứ đau ê ẩm khắp nơi, lúc đầu Thuận và gia đình tưởng đó chỉ là một cơn ốm bình thường. Nhưng không phải, sau một thời gian ngắn, thấy bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, thế là bố mẹ đưa Thuận vào Bệnh viện, tại đây Bác sỹ báo cho gia đình một hung tin, Thuận bị viêm tủy sống. Căn bệnh quái ác ấy làm tê liệt hoàn toàn hệ thần kinh của anh từ thắt lưng xuống dưới.
Từ ngày không còn đi học, Thuận bảo: “Những lúc nằm trên chiếc xe lăn, thấy bạn bè được bố mẹ dìu dắt đến trường là trong lòng tôi háo hức lắm!. Trong cái đầu thì muốn đi học nhưng cái chân thì tê liệt nên muốn bước cũng không vùng vậy được. Mỗi khi tiếng trống trường vang lên, tôi lại ứa nước mắt chấp nhận một thực tế đau lòng, tôi đã trở thành một người tàn tật và ước mơ đến trường kể từ đó đã chấm dứt với tôi”. Không đến trường, chuỗi ngày tăm tối sau đó của Thuận từ năm 10 tuổi đến 15 tuổi là rong ruổi hết Bệnh viện này đến phòng khám khác. Từ Bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, đến Bệnh viện Balan, Quân Y4, Bệnh viện Nhi Thủy Điển (Hà Nội), Viện châm cứu Trung Ương, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)…ở Bệnh viện nào Thuận cũng đều nhận được một cái lắc đầu của Bác sỹ, “Thuận không thể trở thành người bình thường được”.
Để có tiền điều trị cho Thuận, bố anh phải chắt chiu dành từng đồng lương ít ỏi, mẹ thì ở nhà ra ruộng lam lũ với hạt lúa, củ khoai gấp bội lần. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều phải bán sạch, từ đất đai, trâu bò, hạt lúa, bó rau…Nghĩ lại những năm tháng làm bạn với bệnh tật và Bệnh viện, anh Thuận không khỏi chạnh lòng: “Bố mẹ thương tôi lắm, tiền bạc ông bà không tiếc, chỉ mong sao tôi đi lại, làm việc như những người bình thường khác, nhưng rút cuộc, mọi chuyện vẫn “lực bất tòng tâm”. Gần 5 năm đi Bệnh viện, tôi đã tiêu tốn mất gần 1 tỉ đồng của cha mẹ. Chính điều đó là động lực thôi thúc tôi phải cố gắng bằng mọi giá để vượt lên số phận bất hạnh của mình”. Nhìn Thuận, với nửa thân hình tê liệt, đôi tay teo tóp, thân hình ốm yếu, suốt đời chỉ làm bạn với Bệnh viện và xe lăn, nhưng với nghị lực phi thường của mình, Phan Đức Thuận đã vượt qua tuổi thơ đầy bất hạnh để vươn lên vượt khó trong cuộc sống với những kỳ tích rất đáng tự hào.
THÀNH CÔNG NHỜ TỰ HỌC
Sau nhiều năm nằm viện, trở về nhà Thuận chỉ biết làm bạn với chiếc xe lăn. Ngồi mãi cũng chán, bất chợt một ngày, bố anh cầm một chồng báo để trên bàn. Lúc đầu, Thuận tò mò xem hình ảnh, chứ thực tình lúc đó Thuận làm gì đọc được chữ. Có ngày chàng trai tật nguyền ấy dịch một câu trong bài báo cũng phải mất cả mấy ngày trời. Không chỉ đọc, Thuận còn lấy bút ra viết, ra vẽ từng chữ cái, lúc dầu anh viết trên bảng, viết trên nền nhà, rồi viết ra giấy, có khi viết một câu mà Thuận phải mất hàng trăm tờ giấy nháp. Tuy vậy, anh không hề chán nản, buông xuôi: “Từ lúc bị tàn tật, Thuận hiểu chỉ có cách tự học. Lúc đầu, phải tự học lại cách đọc, cách đánh vần và viết từng chữ cái. Vì Thuận mới chỉ học xong lớp 2, lại bỏ bê 3-4 năm, nên chỉ biết được những chữ i tờ không hơn không kém”.
Sau 2 năm, Thuận đã biết đọc, biết viết, mọi người trong nhà ai nấy đều kinh ngạc. Bố Thuận bảo: ” Thằng Thuận sau này lớn lên không phải là người sống vô ích đâu, không có thầy cô dạy dỗ mà nó vẫn trở thành người hiểu biết sâu rộng, biết đọc, biết viết, thật không thể tưởng tượng nổi”. Rồi 3 năm, 4 năm… 10 năm Thuận không chỉ đọc viết thuần túy, mà Thuận đã mạnh dạn chuyển sang học ngoại ngữ từ sách vở, qua mạng internet… Thấy con mình không qua trường lớp, không ai dạy bảo mà trình độ tin học, ngoại ngữ rất uyên bác, bố anh đã mua cho chiếc máy tính để Thuận thực hiện giấc mơ của mình. Nhớ lại ngày đó, Thuận thành thật: “Sau khi biết đọc, biết viết, Thuận bắt đầu mua sách từ điển về học ngoại ngữ. Một ngày Thuận viết và đọc 10 từ mới. Đọc, viết, nói đến đâu là phải nhớ đến nó. Nhất là những từ ngữ liên quan đến tin học thì bây giờ Thuận đã thông thạo gần như toàn bộ. Nhìn thấy Thuận “chém gió” với tiếng Anh, “múa lửa” với máy tính, tôi không thể tin được Thuận mới học chưa xong lớp 2, nhưng chuyện không tin đó lại có thật trong đời thường. Không chỉ học tiếng Anh, Thuận còn mua sách, tài liệu, mua máy tính để về tiếp tục học Tin học. Với sự thông minh xuất chúng, lòng kiên trì và nghị lực hơn người, chỉ trong vòng 3 năm, Thuận đã sử dụng thông thạo các thao tác về Microsoft Word, Excel, Photoshop, Cài đặt các phần mềm ứng dụng, quản lý các phòng Games, quán nét, Photo Coppy, đánh văn bản thuê…và nhiều ứng dụng khác của máy tính. Nói về cách học tin học, Thuận bộc bạch: “Tự học khó lắm!. Thuận nói đơn giản, cái gì mà nhờ thầy cô, bạn bè chỉ cho thì rất nhanh, nhưng đôi khi để tự mình đánh được văn bản bằng tiếng Việt với Thuận cũng đã mất gần 2 tháng làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. Biết thì dễ, nhưng không biết thì một cái đơn giản nhất của máy tính cũng vô cùng khó khăn. Nếu buông xuôi, chán nản thì mọi chuyện sẽ trở về số 0 ngay. Thuận học Tin học với niềm đam mê mãnh liệt, có lần Thuận tập cài đặt Games mà phải mày mò suốt 13 đêm không ngủ đó!”.
Thuận đang hướng dẫn sử dụng máy tính cho các em nhỏ trong vùng
Biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo tin học, ngoại ngữ nhờ tự học, chàng trai tật nguyền dù mới học lớp 2 bắt đầu lập nghiệp. Với sự giúp đỡ của người cha vĩ đại, người mẹ thảo hiền, Thuận liều lĩnh vay ngân hàng, bạn bè, anh em mở một quán cà phê lớn, mở tiếp 4 phòng Karaoke, rồi một sân khấu nhạc sống hoàng tráng mọc lên giữa trung tâm của xã Cổ Đạm. Khách hàng ngày càng đông, nhận biết ở quê mình mạng lưới thông tin liên lạc còn chưa phát triển, Thuận lập kế hoạch, lên phương án tỉ mỉ để đầu tư mua hơn 20 máy tính cho con em truy cập Internet. Thuận còn bỏ tiền mua máy Photo, máy ép dẻo, đánh văn bản thuê, mua máy in để kinh doanh…Nhận thấy sửa chữa máy tính là một nghề đầy tiềm năng, thế là anh lại tiếp tục lấn sân sang sửa chữa, cài đặt, mua bán máy tính. Với những kiến thức tự học cũng kinh nghiệm của mình, Thuận tự sửa chữa, cài đặt từ A đến Z cho khách hàng. Riêng đối máy bàn, do khó khăn trong việc đi lại, nên anh chỉ bảo cho những nhân viên khác để sửa chữa. Hiện tại, anh thuê hẳn 3 người trong làng giúp anh sửa chữa, cài đặt, trông coi quán nét, quán cà phê… với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Chị Phan Thị Huệ, một nhân viên đang làm việc cho anh tâm sự: “Em chỉ nói về anh Thuận một câu ngắn ngọn, đó là một con người phi thường”.
Nhìn thuận với nửa thân hình bại liệt, đôi tay teo tóp tháo lắp ráp máy tính, cài đặt, sửa chữa, hướng dẫn cho khách hàng cách chơi Games, học ngoại ngữ, tin học, cách Photo, in ấn…Không ai nghĩ đó là một chàng trai tật nguyền mới học xong lớp 2 suốt ngày làm bạn với chiếc xe lăn. Mà ở anh, người ta thấy một con người nhiệt huyết, mạnh mẽ, đam mê với một nghị lực phi thường được toát lên trên khuân mặt đầy nhân hậu và một ý chí không bao giờ đầu hàng, khuất phục trước những khó khăn, sóng gió trong cuộc sống. Hàng tháng, sau khi đã trừ đi mọi chi phí, Thuận thu về hơn 10 triệu đồng, một thành quả xứng đáng cho những nổ lực không biết mệt mỏi của anh.
Chia tay Phan Đức Thuận, tôi vẫn nhớ mãi một câu nói đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh: “Tôi thành công nhờ tự học, tôi đọc sách và nhớ nhất câu nói của Lê Nin “Tôi không sợ khó, tôi cũng không sợ khổ, tôi chỉ sợ những phút lòng mình bị yếu đuối, với tôi, chiến thắng bản thân mình là chiến thắng vẻ vang nhất”. Chính câu nói ấy đã thôi thúc tôi có được ngày hôm nay. Dù trong hoàn cảnh nào, “tâm tôi vẫn bất biến giữa dòng đời vạn viến”. Đúng là với Thuận, thành công chỉ có 1% may mắn còn 99% là mồ hôi và nước mắt là không sai chút nào.
Bài và ảnh: Đinh Tiến Giang
Hợp Giáp- Xuân Yên- Nghi Xuân- Hà Tĩnh
Nghi Xuân