Mặc dù người dân đã liên tục phản ánh, nhưng ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn “án binh bất động” trước hành vi đào đất nông nghiệp làm gạch của tư nhân trong nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Người dân không đồng tình với cách làm của UBND xã |
Nhiều người dân xóm 2, xã Xuân Hồng phản ánh: Vào khoảng trước năm 2007, 15 hộ dân thôn 2 xã Xuân Hồng đã kí giấy chuyển đổi đất cho anh Trần Văn Tình ở thôn 3 với mục đích thuận lợi trong canh tác, tổng diện tích các hộ chuyển đổi cho anh Tình khoảng 10 nghìn m2.
Trong hợp đồng ghi rõ phải sử dụng đất đúng mục đích, và khi không có nhu cầu sử dụng đất hoặc hết thời hạn sử dụng đất phải có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng như ban đầu của khu đất và giao lại cho địa phương quản lí.
Tuy nhiên, sau khi nhận được đất chuyển đổi, anh Tình đã đào ao, lấy đất làm gạch bán. Ban đầu, anh này xây lò thủ công, khói làm ô nhiễm môi trường, người dân phản đối nhiều, nên mới làm thành lò đốt có ống khói cao.
Hợp đồng chuyển đổi đất giữa hộ Trần Thị Khai và Trần Văn Tình.
Vào năm 2007 – 2008, tại kì họp tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND xã, cử tri đã phản ánh việc anh Tình đào đất làm gạch. UBND xã Xuân Hồng đã trả lời là do anh Tình xin phép làm gạch để xây trang trại.
Sau đó anh Tình tiếp tục làm gạch bán ra thị trường với số lượng lớn, người dân tiếp tục kiến nghị thì chính quyền xã Xuân Hồng, đứng đâu là ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch không hề có một hành động xử lí, can thiệp nào.
Được chính quyền dung túng, bao che, anh Tình làm gạch liên tục 4 năm, từ 2007 đến 2011, với số lượng gạch xuất bán ra thị trường rất lớn.
Đến nay, khu đất mà anh Tình được chuyển đổi đã thành ao hồ nham nhở.
Người dân bức xúc phản ánh, nhưng ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng tìm cách né tránh, không giải quyết.
...
Sau khi nhận đất, anh Tình đã đào đất làm gạch, tạo nên ao hồ nham nhở.
“Vào năm 2010, ông Đệ mời tôi, cả anh Tình và một số người nữa lên họp bàn, với mục đích bàn tôi đồng ý chuyển toàn bộ diện tích đất nói trên cho hộ anh Tình, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Bởi vì đó là đất nông nghiệp, đã giao cho các hộ”, ông Nguyễn Trọng Thắng, chủ nhiệm HTX Lam Sơn khẳng định.
“Sau khi được đổi đất, anh Tình chủ yếu làm gạch, đến nay thì bỏ hoang”, ông Thắng nói.
Vào ngày 17/4/2014, tôi và anh Tuyên Phó Chủ tịch xã ra vị trí đất đồng Sãi để giải quyết việc đường đi làm đồng của dân bị anh Tình lấn chiếm thì anh này chửi bới, xúc phạm tôi. Tôi đã báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch xã là ông Đệ, nhưng đến nay chưa được giải quyết”.
Hiện nay, chi bộ thôn và người dân thôn 2 yêu cầu chính quyền xã Xuân Hồng giải quyết dứt điểm việc đất đồng Sãi (đất chuyển đổi cho anh Tình), người dân yêu cầu anh Tình trả lại đất nguyên trạng như trước đây để canh tác nhưng ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng không chịu giải quyết.
Việc người dân chuyển đổi đất để canh tác cho thuận lợi là việc làm bình thường. Điều bất thường là ở chỗ người được nhận đất đã có hành vi hủy hoại đất, sự việc đã được báo lên chính quyền nhưng chính quyền xã không can thiệp, để sự việc kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi cố ý hủy hoại đất là vi phạm pháp luật, còn hành vi bao che cho việc hủy hoại đất của ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cũng hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Nhiều người dân và cán bộ khẳng định giữa ông Đệ và anh Tình có một mối quan hệ “đặc biệt” nào đó, dẫn đến những việc làm “khó hiểu”.
Mặc dù lò gạch của anh Tình vẫn tồn tại, nhưng ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng không thừa nhận sự việc anh Tình làm gạch.
Thế nhưng, tại buổi làm việc với PV, ông Trần Duy Đệ lại “đổ tội” cho cán bộ thôn, xóm, đòi kỷ luật những cán bộ này vì đã kí vài hợp đồng chuyển đổi đất giữa các hộ dân và anh Tình.
Khi PV đề cập đến việc anh Tình đào đất làm gạch, ông Đệ phủ nhận, vặn lại: Anh có bằng chứng về việc làm gạch không?
Ông này còn dọa: “Nếu viết sai thì anh phải chịu trách nhiệm!”.
Còn ông Đặng Văn Tính, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết sẽ cho cán bộ về Xuân Hồng kiểm tra, xử lí.
Quang Đại