Báo chí Mỹ đưa tin, trả lời các câu hỏi của các nhân viên điều tra từ giường bệnh, Dzhokhar thừa nhận y và anh trai Tamerlan Tsarnaev đã đặt bom – mà cụ thể là bom nồi áp suất – tại giải marathon, và đã học cách chế tạo bom từ Inspire, một tạp chí tiếng Anh trên mạng mà al-Qaeda bắt đầu xuất bản kể từ năm 2010.
Tamerlan Tsarnaev là một độc giả hăng hái của các trang web thánh chiến và tuyên truyền cực đoan, trong đó có Inspire, ấn bản do nhánh al-Qaeda tại Yemen xuất bản.
Tạp chí tiếng Anh chuyên truyền tải các thông điệp của al-Qaeda, và thậm chí bao gồm cả các hướng dẫn chế tạo các thiết bị nổ.
Mùa hè năm 2010, Inspire đã đăng tải một bài báo mang tựa đề: “Chế tạo bom trong bếp của mẹ bạn”, trong đó hướng dẫn các bước đơn giản để chế tạo bom ống và bom nồi áp suất. Bài báo còn gọi nồi áp suất là “vũ khí hiệu quả nhất”.
Tạp chí cũng khuyến khích các vụ tấn công khủng bố của “những con sói cô độc”.
Phương pháp dùng nồi áp suất chế tạo bom nói trên làm nhớ lại các âm mưu tấn công bất thành nhằm đánh bom Quảng trường Thời đại tại New York của phần tử khủng bố Faisal Shahzad hồi năm 2010, và các vụ tấn công khủng bố khác tại Ấn Độ, Afghanistan, Nepal và Pakistan.
Một bài báo khác của Inspire nói rằng thời điểm thích hợp để “gây thiệt hại tối đa về người” là trong một sự kiện thể thao.
Bài báo viết: “Có vô số các mục tiêu như các đấu trường thể thao đông đúc, các sự kiện xã hội thường niên, các cuộc triển lãm quốc tế lớn, các khu chợ đông người, tòa nhà chọc trời và các tòa nhà đông đúc”.
Shahzad đã bị kết án tù chung thân trong âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại, vốn được ngăn chặn khi một người bán hàng rong gần chiếc xe gài bom làm từ nồi áp suất của y nhìn thấy xe bốc khói và báo cho cảnh sát.
Theo một báo cáo tình báo của Cơ quan an ninh nội địa Mỹ và FBI công bố hồi tháng 7/2010, các thiết bị nổ bằng nồi áp suất tương tự đã được sử dụng tại Afghanistan, Ấn Độ, Nepal và Pakistan.
Bom nồi áp suất cũng được sử dụng trong vụ đánh bom đoàn tàu chở khách ở Mumbai, Ấn Độ năm 2006, khiến 209 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Động cơ tấn công là trả thù cho cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan
Dzhokhar hiện đang được điều trị tại bệnh viện Beth Israel Deaconess ở Boston.
Trong tư thế bị còng tay tại giường bệnh, nghi phạm Dzhokhar đang hợp tác với các nhà chức trách và đưa ra những lời khai đầu tiên về vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ vụ 11/9/2001.
Một nguồn tin nói với tờ Washington Post rằng Dzhokhar đã với các nhân viên điều tra rằng động cơ của vụ đánh bom là nhằm trả thù cho các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và mong muốn “bảo vệ” đạo Hồi.
Nghi phạm 19 tuổi đã nhắc cụ thể tới các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq, vốn kết thúc hồi năm 2011, và tại Afghanistan, dự kiến kết thúc vào năm 2014.
Dzhokhar còn nói với các nhân viên điều tra rằng anh trai Tamerlan, người thiệt mạng trong một cuộc đọ súng với cảnh sát hôm 19/4, là chủ mưu vụ tấn công. Dzhokhar khẳng định vụ đánh bom kép được thực hiện mà không có sự trợ giúp của bất kỳ nhóm khủng bố nước ngoài nào.
Giới chức Mỹ cũng đang điều tra xem liệu anh em nhà Tsarnaev có chịu ảnh hưởng bởi nhà truyền giáo al-Qaeda sinh tại Mỹ Anwar al-Awlaki hay không. Anwar đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay do thám Mỹ hồi năm 2011.
Dzhokhar hiện đang được điều trị tại bệnh viện Beth Israel Deaconess ở Boston. Tên này bị một vết thương ở cổ nên hiện chưa thể nói được và y cung cấp lời khai bằng cách viết ra. Cứ vài giờ, các nhân viên điều tra của FBI lại thẩm vấn Dzhokhar một lần.
Trong khi đó, giới chức y tế Mỹ giờ đây cho biết tổng cộng 282 người đã bị thương trong vụ đánh bom kép, cao hơn nhiều so với con số 170 người thông báo trước đó.
3 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, gồm Martin Richard, 8 tuổi, Krystle Campbell, 29 tuổi, và Lu Lingzi, 23 tuổi.
An BìnhTổng hợp
Dân Trí