Nhân dân vùng biển ngang Thạch Hà rước kiệu tại lễ hội đền Chiêu Trưng. Ảnh: Bá Tân
Theo Hồ Tông Thế Phả (Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương, năm 1660), họ Hồ có mặt tại Việt Nam đã trên 1.000 năm. Ông tổ là Hồ Hưng Dật, người Hậu Hán, đỗ Trạng nguyên rồi sang lập nghiệp tại hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Trước đây, người họ Hồ tập trung sinh sống ở Nghệ An, Hà Tĩnh, sau đó qua các thời kỳ lịch sử mới di cư sinh sống khắp nơi trên cả nước. Trong đó, hai vị tổ họ là Hồ Nhất Lang và Hồ Nhị Lang có công lớn trong việc giúp dân khai khẩn, xây dựng làng mạc, phát triển ngành nghề.
Nhà thờ họ Hồ Lĩnh Công ở Thạch Đỉnh |
Dòng họ Hồ sinh ra nhiều người con đỗ đạt cao, tiêu biểu là nhân vật lịch sử Hồ Lĩnh Công – vị khai tổ dòng họ Hồ ở Đạm Thủy (Thạch Đỉnh ngày nay). Ông sinh ra trong một gia đình nho học vào thời Hậu Lê. Lúc bấy giờ, cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn gây ra bao tang thương dâu bể cho nhân dân. Vốn thông minh, học giỏi, có chí khí lại đỗ đạt nhưng Hồ Lĩnh Công không ra làm quan mà theo con đường binh nghiệp.
Nhờ thông hiểu binh pháp nên ông được triều đình tin cậy sung vào trung quân bộ binh và được giao giữ chức vũ công tiền tòng ưu binh sung lĩnh Chánh đội trưởng Đô chỉ huy sứ Thị vệ hầu Hoa bá. Ở cương vị này, ông đã khổ luyện ngày đêm, lập nhiều chiến công, góp phần ổn định triều chính, bảo vệ cuộc sống yên bình cho muôn dân. Xét công lao của ông, nhà Lê đã ban đạo sắc tôn vinh công trạng; nhà Nguyễn cũng ban đạo sắc phong và giao cho dân làng lập nhà thờ cúng tế, thờ phụng chu đáo.
Biết ơn vị tổ dòng họ Hồ, con cháu trên địa bàn cũng như đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và nhân dân trong vùng đã huy động nguồn lực hoàn thành công trình nhà thờ Hồ Lĩnh Công tại thôn 5, xã Thạch Đỉnh. Nhà thờ hướng đông nam, bao bọc xung quanh là hệ thống tường dắc, quy mô gồm 3 gian được xây dựng bằng bê tông có diện tích sử dụng 35m2. Phía trong nhà thờ khắc câu đối “Người xưa lưu đức để cùng hưởng/Lớp lớp người sau ghi nhớ công ơn”. Nhìn chung, nhà thờ có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản, các hạng mục được xây dựng liên hoàn theo trục dọc hợp thành một khối thống nhất có kiến trúc khá kiên cố, vững chãi và hài hòa với môi trường tự nhiên.
Các công trình đều nằm trong khuôn viên tường bao khép kín, thuận tiện cho việc bảo quản hiện vật cũng như tu bổ, tôn tạo. Với vị thế đắc địa, đây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều tài liệu sắc phong, câu đối, gia phả, đồ thờ cổ quý mà còn là di tích lịch sử văn hóa, nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của con cháu và nhân dân đối với vị tổ dòng họ, vị tướng tài có công giúp nước, giúp dân.
Noi theo tấm gương sáng ngời của vị tổ dòng họ, con cháu họ Hồ dù sống tại quê hương hay đến vùng khác lập nghiệp đều nêu cao tinh thần đoàn kết, hiếu học, vượt khó vươn lên thành công trong mọi lĩnh vực. Đến nay, dòng họ Hồ Lĩnh Công có 11 đời với 54 hộ cả trong và ngoài tỉnh, gồm 210 nhân khẩu. Tiếp nối truyền thống, thế hệ sau luôn nỗ lực phát huy làm rạng danh dòng họ. Hiện có 4 người giữ chức giám đốc, phó giám đốc tại các cơ quan, công ty; 2 kỹ sư, 1 bác sỹ, 3 giảng viên đại học và 40 cháu học đại học. Ngoài ra, hàng năm có từ 12-16 cháu đạt học sinh giỏi các cấp.
Nét đáng quý là con cháu họ Hồ dù lập nghiệp, công tác nơi nào cũng luôn hướng về quê cha đất tổ bằng sự động viên về tinh thần, vật chất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Con cháu họ Hồ sinh sống trên địa bàn luôn hòa hiếu, đùm bọc nhau, chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó, biết khai thác tiềm năng của tự nhiên để phát triển mô hình kinh tế, phát triển ngành nghề, dịch vụ, tìm hướng lập nghiệp. Không chỉ biết vươn lên thoát khỏi đói nghèo, con cháu họ Hồ còn phát huy truyền thống tốt đẹp của làng quê, dòng họ. Từ năm 2000, họ Hồ đã thành lập và luôn duy trì hoạt động quỹ khuyến học với kinh phí hàng trăm triệu đồng (mỗi năm huy động mỗi hộ đóng góp từ 50.000 đồng trở lên theo hình thức tự nguyện, kịp thời động viên con cháu vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập.
Mùa xuân đã gõ cửa từng nếp nhà, làn hương trầm đầu xuân phảng phất hòa cùng gió đưa không khí xuân yên bình ngập tràn khắp lối đi. Và… xuân vui hơn trong ánh nhìn trìu mến của các vị cao niên, trong tiếng cười giòn tan của đàn con trẻ, trong hân hoan lễ đón nhận di tích lịch sử văn hóa của dòng họ Hồ Lĩnh Công vào một sáng xuân hồng…
Thành Chung – Mai Phương/Baohatinh.vn