Chiếc giường của mẹ con chị Toàn từng bị cán bộ làng, xã cưỡng chế khuân đi.
Phản xạ của những người… bé họng
Dù nỗi lo cơm ăn, áo mặc vẫn hiển hiện ngay cả trong giấc ngủ chập chờn nhưng cứ đến mùađóng góp, nhiều gia đình ở những địa phương chúng tôi thực tế vẫn cố xoay để đủ để đóng quỹ, phí cho thôn, xã.
Họ bảo, đến giờ, việc đóng góp như một phản xạ tự nhiên, như một trách nhiệm không thể nào rũ bỏ.
Đương nhiên, để những người dân thấp cổ bé họng có được “thói quen” này, chính quyền sở tại đã dùng đủ mọi chiêu thức để ép dân đóng cho kỳ được. Ban đầu là vận động, sau thì dọa nạt, bắt chẹt, thậm chí còn… tịch thu cả tài sản.
Ở làng Thành Liên (xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa), chính quyền làng, xã cũng áp dụng chiêu thức chỉ thấy trong thời phong kiến này.
Và, đến giờ, hình ảnh cả đám công bộc túm vào tháo dỡ rồi mang đi chiếc giường cũ kỹ, tài sản đáng giá duy nhất của một hộ nghèo vẫn còn ám ảnh những người dân trong làng.
Chính vì nỗi sợ hãi ấy mà làng xã muốn thu khoản đóng góp gì, bao nhiêu tiền, người dân đều răm rắp… vâng lời.
Làm ruộng chỉ đủ tiền đóng góp cho làng, xã, chị Toàn phải làm thêm nghề phụ để có tiền trang trảng cuộc sống.
Nhà chị Nguyễn Thị Toàn nằm ở giữa làng Thành Liên, cách nhà trưởng làng Nguyễn Sỹ Thành không xa. Khi chúng tôi đến, dù đã quá trưa nhưng chị Toàn cùng hai con mới bắt đầu dùng bữa.
Sai con gái cất vội mâm cơm chỉ có bát canh và con cá bé xíu, chị Toàn bảo, nhà chị ngày nào ngày nào cũng ăn bữa trưa khi trời đã về chiều. “Tôi phải xuống mãi Tĩnh Gia bán nón nên ngày nào cũng về muộn”, chị Toàn thật thà.
Chị Toàn có nghề làm nón lá. Khi nông nhàn, làm được đến đâu là chị tự tay đi bán. “Mình tự bán thì còn kiếm được đồng vào đồng ra chứ giao cho người ta thì chẳng được bao nhiêu”, chị Toàn chia sẻ.
Như nhiều gia đình ở làng, nhà chị Toàn cũng chẳng có mấy vật dụng đáng giá. Nhà có một chiếc quạt cây lọc cọc, khách đến đông nên chẳng biết xoay chiều nào để đuổi đi cái nóng.
“Chồng tôi mất được hơn 3 năm rồi, mình tôi nuôi hai đứa nhỏ ăn học cũng cực lắm các anh ạ!”, chị Toàn tâm sự.
Tuy đổ mồ hôi sôi nước mắt để lo cái ăn cái mặc cho các con nhưng vài năm nay nhưng các khoản đóng góp cho làng, xã chị Toàn đều cố gắng xoay cho đủ và nếu cạn sức khất lại thì cũng chỉ là phần nhỏ trên tổng các khoản thu.
Sở dĩ chỉ Toàn luôn tự giác hoàn thành trách nhiệm đóng góp của gia đình là bởi chỉ cách đây vài mùa đóng góp, gia đình chị đã phải trải qua một sự việc mà nói ra người ở nơi khác chẳng bao giờ tin là có thật.
Chuyện chỉ thấy ở thời… phong kiến
“Cả đời này tôi cũng chẳng thể nào quên được cái buổi chiều kinh hoàng ấy“, chị Toàn chia sẻ.
“Ấy là buổi chiều giữa tháng 10 năm 2010, làng, xã tiến hành thu đợt đóng góp thứ hai trong năm”, chị Toàn nhớ lại.
Nét mặt thất thần, chị Toàn kể lại chuyện kinh hãi mà gia đình mình từng hứng chịu.
Vụ ấy, gia đình chị phải đóng tất cả các khoản là 800 nghìn đồng. Chừng ấy tiền với gia đình chị khi đó quá lớn. Thêm nữa, đứa con gái đầu cũng vừa vào năm học mới, dành dụm được bao nhiêu thì chị cũng đã dồn hết cho việc đèn sách của con.
Nhà sạch bách tiền, chị Toàn tính bán nốt chỗ thóc còn lại để đóng cho làng nhưng chồng chị, anh Đậu Văn Tám không nghe. Anh bảo, bán hết thóc thì hai vợ chồng và các con không còn gì để bỏ vào mồm.
“Bao nhiêu vụ mình đều hoàn thành rồi, vụ này chậm một tí chắc họ cũng cảm thông thôi”, anh Tám đã nói với vợ mình như vậy.
Nghe chồng nói vậy nhưng chị Toàn vẫn thấy chưa yên. Ở làng chị biết, cái gì người ta có thể sẻ chia chứ tiền đóng góp thì… hơi bị khó!
Chính bởi nỗi hoang mang ấy mà đã có lần nhân lúc chồng vắng nhà, chị Toàn đã chực xúc thóc đem bán để lấy tiền đóng góp. Tuy nhiên, thóc chưa kịp qua cửa thì anh Tám về. Hai vợ chồng giằng co, đánh nhau chí chóe.
Theo chính lời của trưởng làng Thành Liên, ông Nguyễn Sỹ Thành, lần ấy, giận vợ, anh Tám đã hất cả thúng thóc xuống giếng.
Không thể vay mượn được ở đâu, chồng lại không cho vét nốt chỗ thóc trong nhà đem bán, chị Toàn đành buông xuôi. “Tôi không biết làm sao cả, chỉ mong các bác ấy thương cho”, chị Toàn nhớ lại.
Và rồi, niềm hi vọng nhỏ nhoi của người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ ấy đã vỡ tan như bong bóng xà phòng. Hết hạn đóng góp mà chưa thấy vợ chồng chị Toàn đem tiền ra nộp, cán bộ xã, làng đã kéo nhau tìm đến tận nhà.
“Họ đến đông lắm, cả trưởng làng, phó làng cùng các cán bộ ở làng. Có cả các anh công an xã nữa”, chị Toàn kể lại.
Thấy đoàn cán bộ ai nấy mặt lạnh như băng bất ngờ xuất hiện ở nhà bình, chị Toàn run như cầy sấy.
“Hai vợ chồng tôi đã khóc lóc van xin mong họ thư thư cho ít bữa nhưng không được”, chị Toàn kể lại với ánh mắt thất thần như thể mọi việc vừa diễn ra mới ngày hôm qua.
Ngày ấy, nhà chị Toàn chẳng có gì. Ngôi nhà cấp bốn xây đã lâu nhưng vẫn để gạch thô, chưa có tiền vào cát. “Đến đôi cánh cửa vợ chồng tôi cũng còn chả có tiền lắp nữa là”, chị Toàn sụt sùi nói.
Hết động viên rồi dọa nạt mà vẫn thấy đôi vợ chồng “cứng đầu” chẳng chịu… xùy tiền, đoàn công tác đã quyết định “xuống tay”.
Mấy người chạy bổ vào nhà xục xạo, tuy nhiên, chẳng có vật dụng gì đáng tịch thu.
“Không tìm được cái gì đáng giá, mấy người ấy chực quay ra thì ông trưởng thôn lại lao vào. Ông ấy tháo chiếc giường mà vợ chồng cùng hai con của tôi đang nằm“, chị Toàn nói giọng như chực khóc.
Chiếc giường ấy, theo lời chị Toàn là tài sản duy nhất mà vợ chồng chị sắm khi nên duyên chồng vợ.
“Thấy trưởng làng vào tháo giường, mấy anh đội mạnh (công an viên- PV) cũng lao vào. Tất cả xúm vào tháo tung chiếc giường nhà tôi ra rồi bó lại khiêng ra nhà văn hóa của làng.
Khi ấy tôi chỉ biết khóc nhưng van xin thế nào họ cũng chẳng động lòng”, chị Toàn nhớ lại.
Cuối năm, trời trở lạnh. Không còn giường nằm, đêm ấy, vợ chồng con cái chị Toàn ôm nhau co quắp nằm dưới đất.
Sau một thời gian “lưu lạc” ở nhà văn hóa của làng, chiếc giường lại trở về với mẹ con chị Toàn.
Nhà chưa có cửa, gió lùa đến tím thịt tím da. Thương nhất là đứa con thứ hai, khi ấy cháu mới vừa 5 tuổi. Trời lạnh, cháu cứ ngu ngơ hỏi, giường nhà mình đâu, sao không nằm trên giường mà lại nằm dưới đất.
Anh Tám, chồng chị Toàn hay rượu. Từ bữa bị “phi đội mạnh” tịch thu mất chiếc giường, phẫn chí, anh uống nhiều hơn. Cứ say là anh buông lời chửi đổng.
Thương các con nằm đất rét mướt, giận cán bộ làng, xã vô tình, hơn tháng sau, nhờ mấy người mách nước, chị Toàn lên huyện để phản ánh chuyện khó tin nhưng có thật xảy đến với gia đình mình.
Một tuần sau ngày chị lên huyện, trưởng làng đã đến thông báo với gia đình chị là lên xã để nhận lại chiếc giường. Tuy nhiên lúc này được thể anh Tám đã làm căng.
“Giường nhà tôi có chân nhưng nó không biết đi. Các ông bê đi thì các ông phải bê về trả”, anh Tám quả quyết.
Thấy thái độ của anh Tám vậy, biết là có thuyết phục cũng chẳng ăn thua, trưởng làng đành lủi thủi ra về.
Ít ngày sau, khi tết đã cận kề, trưởng làng lại đến vận động gia đình chị Toàn ra nhận lại chiếc giường. Lần này trưởng làng bảo, vợ chồng chị cứ ra, đích thân trưởng làng sẽ phụ giúp chuyển về.
Nghĩ nếu cứ để người ta vứt lay lắt ở nhà văn hóa thì chiếc giường hỏng mất, lại thêm việc năm hết tết đến không thể để nhà trống hoác trống huơ, chị Toàn đã động viên chồng nghe lời trưởng làng đi nhận lại.
Chiếc giường ấy bây giờ chị Toàn vẫn kê ở góc nhà và được sơn lại màu cánh gián bóng bẩy. Chiếc giường ấy vẫn là tài sản đáng kể nhất trong nhà.
Cán bộ tịch thu giường là do dân… tự nguyện!
Sau mấy chục ngày “lưu lạc”, chiếc giường cưới của vợ chồng chị Toàn lại tìm về với chủ. Tuy nhiên, hạnh phúc của chị thì đã không còn vẹn nguyên bởi vợ chồng âm dương cách biệt.
Sau chuyện kinh hãi trên, bởi thấy ở quê không ngóc đầu lên được, năm 2012, anh Tám quyết tâm vào Nam làm thuê những mong kiếm chút tiền để vợ con được mở mày mở mặt.
Anh Tám muốn vào Bình Dương để làm thuê cho người ta. Thế nhưng, đến Bình Định thì hành trình tìm kiếm vận may của anh vụt tắt. Bỏ lại vợ con, anh Tám lìa đời sau cơn đau lạ.
Mất chồng, gánh nặng gia đình buộc lên vai chị Toàn. Biết mình phận mẹ góa con côi, chị Toàn chỉ biết cun cút làm ăn, chăm lo cho hai đứa nhỏ và đến vụ thì gắng sức hoàn thành bổn phận đóng góp của mình.
“Vụ vừa rồi, ba mẹ con tôi phải đóng hơn 2 triệu đồng. Làng, xã thu là tôi bán lúa đóng ngay, không chậm đâu”, chị Toàn nói.
Chị Toàn bảo, nhà chị có 2 sào ruộng. Mỗi vụ thu về chừng 5 tạ lúa. Nếu tính theo thời giá bây giờ (thóc 6000 đồng/kg) thì có bán sạch sẽ thóc cũng chỉ được 3 triệu đồng.
“Đóng cho làng xã hơn 2 triệu rồi, số còn lại mua giống má, phân gio còn chẳng đủ”, nhẩm tính xong chị Toàn ngồi thừ mặt chán nản.
Trưởng làng Thành Liên, ông Nguyễn Sỹ Thành bảo, cán bộ đến thu chiếc giường là do chị Toàn… tự nguyện!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Thành có chuyện cán bộ làng, xã đến cưỡng chế chiếc giường của gia đình chị Toàn nhằm gây sức ép để gia đình chị Toàn nộp tiền đóng góp.
Tuy nhiên, ông Thành bảo, việc cưỡng chế chiếc giường ấy là do chị Toàn… tự nguyện! Theo ông Thành, vụ ấy bởi muốn đóng nhưng anh Tám không cho nên chị Toàn đã đề xuất với cán bộ làng thu chiếc giường trên để… răn đe chồng!
(Còn nữa)
Đào Tuy- Tuấn Nam