“Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Trong đó vốn nhà nước chiếm 80% (huy động hằng năm từ 0,3% đến 0,55% GDP) và bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; vốn tư nhân chiếm khoảng 20%”.
Đó là kiến nghị được liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu báo cáo cuối kỳ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, do Bộ GTVT tổ chức ngày 12-11.
Tư nhân sẽ đầu tư tàu
Tư vấn cho rằng Nhà nước sẽ đầu tư phần hạ tầng tới đỉnh ray và hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị nhà ga. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có sự kết hợp một phần vốn trong nước với vốn ODA để tận dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, cần đàm phán với nhà tài trợ để các cơ chế chính sách hợp lý, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Còn nhà đầu tư sẽ mua sắm đoàn tàu, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng cho Nhà nước.
“Với phương án ODA mặc dù đảm bảo trong ngưỡng trần nợ công, nếu vay hoàn toàn sẽ khiến chúng ta bị động trong việc tổ chức triển khai xây dựng. Mặt khác, nếu trông chờ quá nhiều vào khối tư nhân sẽ gặp phải những rủi ro mà một số quốc gia đi trước như Đài Loan đã gặp. Do đó, chúng tôi chọn phương án trên để huy động được nguồn lực đầu tư cho dự án” - tư vấn giải thích.
Về hiệu quả tài chính của dự án, tư vấn cho hay được thể hiện qua các kịch bản giá vé đường sắt tốc độ cao bằng 100%, 50%, 75% so với giá vé máy bay hạng phổ thông. Kết quả cho thấy tỉ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR) tương ứng 8,9%, 10,6% và 9,5%.
Từ những phân tích trên, tư vấn khẳng định hiệu quả tài chính của dự án trên toàn bộ vốn đầu tư là rất thấp. “Tuy nhiên, các dự án kinh tế lại có tác động tích cực to lớn đến mọi mặt xã hội, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế đất nước…” - tư vấn nhận định.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Ảnh: VIẾT LONG |
“Cần làm rõ Nhà nước bù lỗ bao nhiêu năm đầu”
Đồng tình với báo cáo của tư vấn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay không thể nhìn vào hiệu quả kinh tế của dự án mà phải nhìn ở góc độ lan tỏa tích cực từ việc đầu tư dự án này tới kinh tế-xã hội: “Ví dụ, dự án lôi kéo ngành tự động hóa, ngành công nghiệp và hiệu quả sẽ nằm ở đó…” - ông Kiên nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và phát triển (Bộ KH&ĐT), lại băn khoăn bởi hiệu quả kinh tế của dự án như tư vấn phân tích là quá thấp. Cụ thể, hiệu quả hoàn vốn về tài chính chỉ 1,9%, hiệu quả về mặt kinh tế 7,5%. “Thông thường các dự án công phải đạt được hiệu quả về mặt kinh tế 8%-12%” - ông Bình phân tích.
Ngoài ra, trong báo cáo của tư vấn chưa nêu được doanh thu, chi phí của các năm đi vào hoạt động. Ông Bình dẫn chứng: “Ở Đài Loan, trong những năm đầu khai thác lỗ rất nhiều. Những năm đầu tiên dự án đi vào khai thác chi phí khấu hao, vận hành lớn và khách chưa nhiều thì phải tính toán doanh thu, chi phí, tỉ lệ ngân sách bù lỗ các năm đầu tiên là bao nhiêu. Tôi chắc chắn những dự án này phải lỗ vài năm đầu tiên…”.
Cũng theo ông Bình, báo cáo chỉ nêu giá vé bằng 75% giá vé máy bay nhưng chưa nêu cụ thể mỗi tuyến, chặng là bao nhiêu tiền. Mục đích là để xem xét phương thức vận tải này đủ khả năng cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác hiện nay không.
Về hình thức đầu tư dự án, TS Bình rất đồng tình với phương án tư vấn đưa ra. Có điều là trong các nước được nghiên cứu, GDP đều cao hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Do vậy, ông đề nghị tư vấn cần nghiên cứu các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam đã triển khai các dự án như trên để có so sánh phù hợp.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị tư vấn cần xem xét việc phân kỳ đầu tư dự án, tổng mức đầu tư dự án. Đặc biệt, cần phân tích, làm rõ lợi ích kinh tế-xã hội dự án mang lại...
Giải đáp các thắc mắc, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI, cho rằng dự án có tầm nhìn xa và nếu Việt Nam không thực hiện dự án này sẽ tụt hậu so với các nước xung quanh. Ông Sơn cũng khẳng định đã xem xét các nước tương đồng Việt Nam để đưa ra hình thức đầu tư: “Liên quan đến mức đầu tư và các kiến nghị khác mang tính kỹ thuật, chúng tôi sẽ có trả lời rõ và chi tiết sau…” - ông Sơn nhấn mạnh.
Hà Nội - TP.HCM: 5 giờ 15 phút Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM, gồm 23 nhà ga, đi qua 20 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Theo tư vấn, nếu đạt vận tốc 320 km/giờ (tốc độ thiết kế là 350 km/giờ) thì từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ 20 phút; từ TP.HCM đến Nha Trang mất 35 phút; từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 17 phút. Theo dự báo tăng trưởng GDP, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, có thể thấy mỗi năm dành khoảng 0,7 GDP là có thể đầu tư cho giai đoạn 1 và 2 (Hà Nội-Vinh và TP.HCM-Nha Trang) của dự án. |
Tác giả: Viết Long
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM