Trong thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày trước Quốc hội sáng 22/10 chỉ rõ, biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.
Nương nhẹ xử lý tham nhũng
Trong năm 2013, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng đạt được kết quả tốt hơn so với những năm trước. Một số vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước đã được các cơ quan chuyên trách ở trung ương phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác động tích cực đến việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Hiện, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. “Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Trong khi đó, số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, vấn đề Ủy ban Tư pháp đề cập đến đó là việc xử xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh. Chỉ xử lý trách nhiệm một số trường hợp người đứng đầu có liên đới hoặc đồng phạm với người có hành vi tham nhũng. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Kiểm soát giao dịch công chức để ngăn rửa tiền
“Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng”, ông Hiện dẫn chứng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Ủy ban Tư pháp cho là chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản. Chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.
Hơn nữa, việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai. Trong khi đó, việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng.
“Ý kiến một số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải sớm tiến tới việc quy định các giao dịch của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn có giá trị lớn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu.
Quang Phong
Dân Trí