Xe

Mẹo lái xe ô tô an toàn qua vùng ngập nước

Đi qua vùng ngập nước, khả năng xe ô tô bị chết máy, gây ra hỏng hóc là rất lớn. Vì vậy, các tay lái cần nắm rõ những bí kíp hữu ích để bảo vệ "xế yêu" khi trời mưa to kéo dài.

1. Quan sát lốp xe chạy trước. Quan sát các xe đi trước, nếu mực nước không quá nửa lốp xe mới tiến hành đi qua. Bởi nếu mực nước dâng lên quá nửa lốp xe khả năng nước tràn vào khoang lái và tràn qua hệ thống điện dưới gầm xe là rất cao... Khi mặt sàn của xe bị ngập nước có nguy cơ bị chập điện dẫn đến hư hại hệ thống điện bên trong ảnh hưởng đến các trang thiết bị trên xe.

2.Tính toán mức nước. Đối với dòng xe sedan (xe con gầm thấp 4 - 5 chỗ ngôi) độ sâu an toàn trung bình là 25cm, mực nước này không vượt quá tâm của bánh xe và các tài xế có thể lái xe qua dễ dàng. Đối với xe gầm cao thì độ sâu trung bình là 35cm.

Nếu điều kiện giao thông cho phép, nên đi ở giữa tâm đường bởi đây luôn là vị trí cao nhất của mặt đường, sẽ giúp giảm mực nước và giảm nguy cơ gây hại cho xe.

3. Tắt điều hòa, hạ cửa kính ô tô xuống. Bật điều hòa khi lái xe qua vùng nước ngập có thể làm chết động cơ bởi khi quạt quay, sẽ có thể hút nước vào trong động cơ. Nếu động cơ không bị chết, quạt điện tử có thể cuốn rác rưởi đang trôi trong nước làm gãy cánh quạt khiến động cơ bị tăng nhiệt.

4. Đi vào dòng nước tốc độ tối đa 3km/giờ, sau đó tăng lên 6km/giờ khi ở trong nước. Điều này sẽ tạo một cơn sóng vòng cung trước xe và mực nước xung quanh khoang động cơ sẽ thấp xuống, giảm nguy cơ nước xâm nhập qua bộ lọc không khí và hư hại đến các linh kiện điện và điện tử. Tốc độ cao hơn mức này sẽ khiến nước bị đẩy vào khoang động cơ thông qua lưới tản nhiệt trước.

5. Giữ khoảng cách. Luôn giữ khoảng cách với các phương tiện khác và tránh xa những xe có trọng tải lớn, bởi những phương tiện khác khi di chuyển sẽ tạo ra những cơn sóng nước lớn tràn qua nắp capo của xe bạn, có thể làm nước tràn vào họng hút gió và vào thẳng động cơ gây hiện tượng "thủy kích".

6. Ra khỏi dòng nước, nhấn phanh nhẹ nhàng để làm khô phanh: Bạn có thể tiếp tục giữ phanh bằng chân trái một lúc nếu thành thạo với kỹ năng này. Nhả phanh ra khi nào bạn cảm thấy phanh bắt đầu “ăn”.Thêm nữa, hãy dừng lại kiểm tra để đảm bảo không có túi nilon hay rác rưởi mắc vào lưới tản nhiệt hoặc các lá tản nhiệt bên trong.

Tác giả: Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP