Thế giới

Mạng xã hội - bẫy tử thần với những người muốn tự sát ở Nhật

Mạng xã hội, nơi người cô đơn thoải mái bày tỏ cảm xúc mà không sợ bị chê trách, là chốn săn mồi lý tưởng cho sát thủ liên hoàn.

Khu nhà ở của Shiraishi ở Zama. Ảnh: Kyodo News

Cuối tháng 10, cảnh sát Nhật gõ cửa căn hộ một phòng ngủ của Takahiro Shiraishi ở Zama ở phía tây Tokyo. Họ tới điều tra về Aiko Tamura, cô gái mất tích vài ngày trước ở ngoại ô Tokyo.

Khi vào trong, cảnh sát phát hiện nó có đầy đủ dấu hiệu của một kẻ giết người hàng loạt: một cái cưa, dây thừng, bộ phận cơ thể của 9 người, bao gồm nhiều đầu người bị cắt rời trữ trong hộp giữ lạnh, theo Al Jazeera.

Shiraishi là một thanh niên thất nghiệp 27 tuổi làm cò mại dâm. Y dụ dỗ nạn nhân tới nhà. Họ đều là những người kết bạn với Shiraishi trên Twitter qua thỏa ước tự sát tập thể.

Những nạn nhân trong độ tuổi 15 -25 đều từng bày tỏ ý muốn tự tử trên mạng xã hội. Trong khoảng ba tháng, bắt đầu từ tháng 8, Shiraishi đã nghiền ngẫm mọi tin nhắn từ những người tỏ ý tự sát.

Y đã lợi dụng được thực tế các dịch vụ truyền thông xã hội trực tuyến ở Nhật Bản, đặc biệt là Twitter, là không gian tự do để nói về tự sát, một chủ đề còn nhiều cấm kị.

Hãy nói với Twitter

Tatsuhito Hokujo, giám đốc mạng lưới phòng ngừa tự tử Befrienders Worldwide Osaka, cho biết đường dây nóng thường xuyên nhận được cuộc gọi nói về tình trạng cô đơn.

"Họ lúc nào cũng cảm thấy không có ai để tâm sự ", Hokujo nói.

Trong tình huống này, họ có thể đăng "Tôi muốn chết" lên mạng xã hội, tìm kiếm người thấu hiểu và phản hồi lại ý định này. Shiraishi đã phản ứng lại, khuyến khích và dụ dỗ nạn nhân trước khi giết họ và hắn còn cưỡng bức một số nạn nhân.

Vickie Skorji là giám đốc Lifeline, tổ chức do mạng lưới phòng ngừa tự tử Tell Japan điều hành. Skorji nhận thấy mạng xã hội mở đã tạo điều kiện cho sự lạm dụng phát triển.

"Chính thứ liên kết người sử dụng với mọi người là thứ khiến họ gặp nguy hiểm", bà nói.

Shiraishi lợi dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Sina.

Xue Dou là chuyên gia tâm lý học truyền thông ở đại học Ritsumeikan, Osaka. Theo Dou, văn hóa Nhật luôn gắn chặt cá nhân với một nhóm cụ thể, dù cá nhân đó ở công sở, ở trường học, hay ở nhà. Họ sẽ bị đánh giá và nhìn nhận bởi người trong nhóm. Khi báo chí phỏng vấn bạn bè các nạn nhân của Shiraishi, họ đều tỏ ý sốc khi biết được bạn mình có ý định tự tử.

"Rất có thể những cô gái này không hề nhắc đến tự sát trước mặt bạn bè, thay vào đó lại chọn cách đăng ý kiến lên mạng xã hội về ý định tự sát. Mạng xã hội là nơi người ta không cần đeo mặt nạ", Dou nói, nhấn mạnh việc Twitter cho phép người dùng lấy danh tính ảo giống như cấp cho họ phương tiện bày tỏ cảm xúc thật mà không sợ bị phán xét.

Đối với Eri, một nhân viên làm việc bán thời gian 21 tuổi ở Tokyo, Twitter giống như trang nhật ký cá nhân. Cô có nhiều tài khoản nhưng chỉ sử dụng một trang kín để nói ra cảm xúc thật. Đôi khi, cô viết những dòng như "Tôi muốn chết" hay "Tôi đang rất đau buồn" lên đó.

"Nhật ký Twitter của tôi chỉ hiển thị với mình tôi, vì thế tôi không cần lo lắng chuyện bị người ta phán xét khi đăng những lời tiêu cực", Eri cho hay.

Eri cho biết cô tránh tiết lộ quá nhiều lên tài khoản mở, nơi người lạ dễ dàng xem được. Sau khi Shiraishi bị bắt và cảnh sát xác minh danh tính nạn nhân, Twitter đã cập nhật quy định mới về cấm quảng cáo, khuyến khích tự tử hoặc tự gây tổn thương.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK hồi tháng 11, Jack Dorsey, đồng sáng lập kiêm CEO của Twitter cho biết loại bỏ tất cả những bài đăng bày tỏ ý định tự tử là phi thực tế. Thay vào đó, Twitter sẽ tập trung vào thúc đẩy các tổ chức ngăn ngừa tự sát.

Kỳ thị

Tuy năm 2016 tỉ lệ tự sát ở Nhật Bản đạt mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại, nhưng nó vẫn đứng đầu trong nhóm các nước giàu nhất thế giới G7. Chính phủ Nhật ước tính năm 2017 toàn quốc có gần 22.000 vụ tự sát.

Tự sát cũng là nguyên nhân tử vong lớn nhất của số người trong độ tuổi từ 10-19. Số vụ tăng lên vào khai giảng tháng 4 hàng năm và một lần nữa tăng lên vào tháng 9, sau kỳ nghỉ hè.

Ở Nhật Bản, bàn luận về sức khỏe tâm thần vẫn bị kỳ thị. "Nó khiến những người đang đấu tranh với suy nghĩ này bị cô lập và có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến trong môi trường lành mạnh", Skorji nói.

Xã hội tránh bàn luận về sức khỏe tâm thần khiến mạng xã hội trở thành nơi lý tưởng để những người có ý định tự sát bày tỏ suy nghĩ. Ảnh: Al Jazeera.

Sự kỳ thị này cũng khiến con người dễ bị tổn thương.

"Những người có nguy cơ tự sát cao sẽ không dễ bị tổn thương nếu chúng ta có thể trò chuyện và bàn luận về an toàn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tự sát", Skorji bày tỏ.

Bà lưu ý việc thảo luận về sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản vẫn còn xa lạ và dẫn ví dụ về hoàng gia Anh. Hoàng tử William và em trai Harry đã công khai thảo luận về nỗi đau khi mẹ đột ngột qua đời, nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần của người dân và khuyến khích thảo luận vấn đề này.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP