Nông Thôn Hà Tĩnh

Mai vàng khoe sắc dưới chân núi Đèo Ngang

Cứ mỗi độ xuân về, không gian dưới chân núi Đèo Ngang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại rực sáng bởi sắc vàng hoa mai và nụ cười tươi tắn của người dân.



Trước đây, người dân xã Kỳ Nam nghèo lắm. Nhiều người cứ nói đùa “ai bảo sống dưới chân “Đèo Ngang” nên “đang nghèo” là phải rồi. Mảnh đất cực Nam của Hà Tĩnh vẫn thường được ví là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Người dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng đói vẫn hoàn đói. Vì thế, mỗi ám ảnh lớn nhất đối với người dân nơi đây vẫn là khi xuân đến Tết về.Thế nhưng mấy năm gần đây, vùng đất này đã thay da đổi thịt nhờ một loại cây mà mới nghe qua có vẻ không hợp lắm với người nghèo: cây mai.Không ai nhớ rõ cây mai đã mọc trên đất Kỳ Nam từ bao giờ, nhưng có một điều mọi người đều biết là mai ở đây có rất nhiều loại và đẹp đến mê hồn.Theo anh Nguyễn Viết Xuân (gắn bó với nghề trồng mai hơn 15 năm) thì ở Kỳ Nam có ba loại mai chính là mai rừng (mọc trên rừng), mai biển (mọc dọc bờ biển) và mai cồn (mọc ở các cồn cát). Trong ba loại ấy, mai cồn vẫn được ví là “công chúa” bởi có hoa rất to, sắc vàng đậm, có bông 5 cánh, 6 cánh và có khi lên đến 10 cánh; đặc biệt mai cồn lại nở đúng vào dịp Tết Nguyên Đán.Mùa xuân năm 1994, trong tiết thanh minh, một lần cầm cuốc ra đồng tảo mộ cho ông bà qua một cồn cát to, anh Xuân “bắt gặp” một cây mai đang khoe sắc vàng trong gió, nên chợt nảy ra ý định đưa loài cây này về trồng làm cảnh ở vườn nhà.Thời gian sau đó, cứ khi nào rảnh rỗi, anh lại vác cuốc lên các cồn cát tìm mai đưa về trồng. Nhiều người trong xã đến chơi nhà anh thấy mai vàng đẹp quá cũng bắt chước làm theo.Hiện nay, ở xã Kỳ Nam, ngoài 3 hộ có vườn với số lượng lớn, hầu như nhà nào cũng trồng 5-10 cây mai làm cảnh và bán vào dịp Tết Nguyên Đán.

Chị Mại Thị Thanh xóm Minh Quý cho biết, cây mai này đã có người trả 5 triệu đồng nhưng “ông xã” vẫn chưa chịu bán
Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết tin có loài mai đẹp ở xã Kỳ Nam đã không quản đường sá xa xôi, lặn lội tìm mua. Thế nên bây giờ người dân Kỳ Nam không còn sợ cảnh Tết đến không có tiền tiêu nữa, thậm chí nhiều nhà còn mong Tết kéo dài hơn để có thêm thu nhập.Anh Xuân cho biết: “Vườn mai của tôi hiện có khoảng 500 cây, cây đắt nhất trên 5 triệu đồng, cây rẻ cũng chừng 500.000 đồng. Mỗi năm vườn mai mang lại cho gia đình tôi hàng chục triệu đồng”.Theo anh Xuân, trồng mai không khó nhưng phải cần cù và biết cách chăm sóc, “việc chọn đúng thời điểm để trảy lá là quan trọng nhất vì nếu không, mai sẽ nở không đúng dịp Tết”. Rời đất Kỳ Nam, chúng tôi nhớ mãi lời nói của ông Nguyễn Hữu Hải, cán bộ xã: “Mai ở đây đẹp nhưng để có một thương hiệu thì chưa. Người dân nơi đây vẫn còn trồng theo kiểu manh mún vì thiếu vốn, thời gian đầu tư kéo dài (từ 3 – 5 năm) và thị trường tiêu thụ ổn định vẫn chưa có”. Tamnhin.net xin giới thiệu cùng bạn đọc chùm ảnh về vườn mai của anh Nguyễn Viết Xuân:

Anh Xuân bên vườn mai 500 gốc của gia đình

Những nụ hoa này sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên Đán


Theo anh Xuân, việc trải lá đúng thời điểm là quan trọng nhất

Cây mai này được anh Xuân trồng từ năm 2001


Nhiều khách hàng đã đến mua mai
Bài, ảnh: Hồ Hà Vy

Tam Nhin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP