Giờ Giải Lao

Lục đục vì Tết, cãi nhau vì… tiền

Sát Tết, trăm thứ đổ lên đầu, ngoài các khoản sắm sang, lễ lạt, nhiều cặp vợ chồng còn phải lo đủ các khoản biếu xén nội ngoại thêm đó lại cãi vã chuyện tết anh, tết em… khiến không khí gia đình nhiều khi không tránh khỏi căng thẳng, ngột ngạt.


Cãi nhau vì… tiền Làm việc vất vả cả năm, ai cũng mong ngóng cuối năm có một món tiền thưởng để rủng rỉnh sắm Tết . Thế nhưng thời buổi khó khăn, tiền thưởng Tết của nhiều cơ quan dù có nhưng cũng chỉ mang ý nghĩa “tượng trưng” khiến không ít các bà nội trợ trăn trở. Lo làm sao cho Tết đủ đầy, cho được lòng hai nhà nội ngoại đã là một lẽ, nhưng vẫn phải làm sao để các khoản ấy không thâm hụt vào ngân quỹ chung của gia đình là điều không phải ai cũng làm được. Nhiều ngày nay, chị Bích (Hà Đông, Hà Nội) cứ thở dài thườn thượt mỗi khi nghĩ đến Tết. Chị kể, hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, lương còm cõi đã đành, đến thưởng Tết cũng bèo bọt.


Khi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lục đục xung quanh những câu chuyện mang tên… Tết (Ảnh minh họa)

“Thưởng cả 2 vợ chồng chưa đầy 5 triệu đồng. Trong khi vừa hôm trước, chỉ mới mua ít bánh kẹo để biếu 2 nhà nội ngoại, mua chai rượu biếu sếp thôi mà cũng đã ngót nghét 3 triệu rồi. Trong khi nhà cửa chưa sắm sang được gì. Đến cái áo ấm hứa mua cho bà ngoại từ năm trước mà đến giờ cũng chưa… dám mua”, chị Bích xót xa nói. Cùng cảnh ngộ, chị Hồng Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mấy bữa nay chị cũng đau đầu… vì Tết. Mới lấy nhau được hơn 1 năm, lên Hà Nội lập nghiệp, đến nhà cửa còn phải đi thuê, kinh tế khó khăn nên chị bàn với chồng chỉ biếu mỗi bên ông bà nội ngoại 1 triệu đồng, kèm theo ít bánh kẹo gọi là tấm lòng. Chưa nói dứt câu, Thành, chồng Loan đã đứng phắt dậy, bực bội buông một tràng: “Cả năm mới có ngày Tết, em làm thế thì anh còn mặt mũi nào mà nhìn bố mẹ vợ nữa. Khó khăn thì khó cả năm, chứ ai khó mấy ngày Tết. Nhà mình không có thì anh có thể đi vay bạn bè rồi trả sau. Biếu xén gì thì phải ra tấm ra món, anh không muốn người khác nghĩ mình kém cỏi”. Biết chồng tự ái, Loan cũng chẳng dám phân bua thêm nhưng trong lòng thì bộn bề lo lắng. Không chỉ có vợ chồng chị Loan phải sống cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt vì… khó khăn, mấy bữa nay vợ chồng anh Thu (Long Biên) cũng thường xuyên mặt nặng, mày nhẹ vì… túng tiền. Anh Thu kể, anh làm tại một công ty nội thất trong nội thành. Mọi năm làm ăn phát đạt, cuối năm anh được thưởng đến vài chục triệu. Cứ ngỡ năm nay cũng như năm ngoái nên đã hứa với vợ ra Tết sẽ đưa cả nhà cùng 2 ông bà ngoại ở quê đi du lịch ở Đà Nẵng. “Mọi thứ đã lên dây cót xong xuôi chỉ chờ mỗi tiền thưởng. Nhưng đùng một cái vừa hôm qua tôi nghe như sét đánh ngang tai khi hay tin Tết này, mỗi nhân viên chỉ được thưởng 10 triệu đồng. Chừng ấy thì làm sao xoay sở cho hết Tết được”, anh Thu lo lắng. Mặt buồn thiu về thông báo với vợ, nhưng vợ anh không những không chia sẻ mà còn gào khóc, chì chiết chồng không ngớt. Vừa buồn vừa bực vì vợ không biết thông cảm. Anh Thu đành muối mặt gọi điện xin lỗi bố mẹ vợ, lấy lý do… công ty có chút chuyện gấp phải giải quyết nên hẹn ông bà dịp khác. Hai hôm nay, anh cũng chưa nói với vợ câu nào, tối tối ôm gối sang phòng cậu con trai ngủ. Lục đục chuyện về quê



Túng thiếu, khó khăn sinh ra lục đục đã là một lẽ, nhưng cũng có không ít gia đình xảy ra “chiến tranh lạnh” chỉ bởi mỗi chuyện về quê ăn Tết. Nghỉ Tết 9 ngày, chị Lan (Tây Hồ, Hà Nội) định bụng sẽ về quê nội ở Hà Nam từ 28 Tết, sau đó sáng mùng 3 cả nhà sẽ về quê ngoại ở Cao Bằng đến mùng 6 trở lại Hà Nội nghỉ ngơi rồi mùng 8 đi làm. Tuy nhiên khi bàn với chồng, thì anh Huy phá ngang.


“Anh ấy bảo Tết này 3 mẹ con em về nhé. Chứ anh về đó cũng như người thừa. Anh ít nói lại ít về nên nói chuyện với mọi người không hợp lắm, thành ra mấy ngày liền mà cứ quanh quẩn ở nhà thì chán lắm”, chị Lan thở dài khi nghĩ đến câu nói của chồng. Không có nhà riêng, 5 năm nay, Thanh (quê Nghệ An) vẫn sống chung với nhà chồng tại phường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết, vợ chồng cô mới được về quê ngoại vì mẹ chồng lấy lí do phải hết mùng 3 mới hết Tết, khi ấy muốn đi đâu thì đi. Trong khi bố mẹ Thanh ở quê chỉ có mỗi 2 cô con gái đều lấy chồng xa, Tết nào hai ông bà cũng lủi thủi, nghĩ đến mà xót lòng. Năm nay cô bàn với chồng sáng 29 sẽ xin phép bố mẹ chồng để 2 mẹ con về đón giao thừa với ông bà ngoại, rồi mùng 4 chồng cô sẽ vào sau, mùng 6 cả nhà lại trở ra Hà Nội. Vừa nói xong, chồng Thanh đã nêu một loạt lý do để bác bỏ, nào là nhà chồng đã có lệ thế, em có xin cũng chẳng thay đổi được, đi đường xa lỡ xe cộ xảy ra sự cố rồi rét mướt thế này, lỡ con ốm thì sao… Phân tích, thuyết phục mãi chồng không hiểu, Thanh bưng mặt khóc tấm tức vì thấy tủi thân vô cùng. Cùng chịu cảnh làm dâu, Lan Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cô rất ngại khi phải về quê chồng ăn Tết. Lý do Lan Anh đưa ra là mỗi khi về quê dịp Tết cô thấy phát ngán với việc chỉ có xào xào, nấu nấu, bê ra bê vào rồi rửa bát hết ngày. Khi xong việc thì mệt phờ người, chẳng muốn đi đâu. Đã vậy lại suốt ngày bị mẹ chồng đem ra so sánh với người nọ người kia. “Cũng chỉ vì chuyện không muốn về quê ăn Tết mà năm ngoái vợ chồng tôi cãi nhau to. Ai cũng có lý do riêng của mình, cuối cùng vợ chồng tôi mỗi người ăn Tết một nơi”, Lan Anh kể lại. Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học VN), chuyện vợ chồng có những xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày là điều khó tránh khỏi. Còn về chuyện ăn Tết nhà nội, nhà ngoại, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nguồn gốc của tư tưởng này xuất phát từ tính gia trưởng cố hữu trong phần lớn đàn ông Việt Nam. Ngay cả khi là vợ chồng, ai cũng có cái tôi riêng của mình, vì vậy để dung hòa, cách duy nhất là mỗi người hãy biết nhường nhịn nhau một chút. Khi xảy ra mâu thuẫn, nên ngồi lại với nhau để cùng suy xét và tìm ra tiếng nói chung. Minh Anh

VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP