Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) công bố chất lượng môi trường từ ngày 7 đến 13-12, cho thấy nhiều ngày ô nhiễm bụi mịn cao có xu hướng tăng trong những ngày qua. Tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội gây ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa |
Một nghiên cứu đã định lượng được các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030.
Trong đó, "mức tăng lớn nhất về nồng độ PM2.5 sẽ đến từ phát thải trong ngành điện", nghiên cứu viết.
Đó là kết quả ban đầu của nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018.
Theo nghiên cứu, vào năm 2015, các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%).
Về nguồn gốc địa lý, các hoạt động gây ô nhiễm không khí Hà Nội không nhất thiết phải diễn ra trong Hà Nội. Nghiên cứu ước tính rằng chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đến từ trong phạm vi thành phố. 2/3 phần còn lại đến từ các tỉnh khác.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích chất lượng không khí toàn cầu của tổ chức Greenpeace cho biết: “Theo ước tính dùng dữ liệu năm 2011, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5 microgram/m3 vào lượng PM2.5 trung bình ở Hà Nội, và con số này tăng lên 12 microgram/m3 vào năm 2030”.
Ông Trần Đình Sính - phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) - cho biết trên Tuổi trẻ, những nghiên cứu trước đây đều chỉ ra một trong những nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội có nguồn từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc.
"Bụi từ các nhà máy được vận chuyển về Hà Nội theo cơ chế gió cuốn. Trong không khí có những khối không khí di chuyển, bụi theo những khối không khí đó di chuyển hàng nghìn kilômet.
Vì thế, với những nhà máy sản xuất ximăng ở Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, nếu thuận theo chiều gió, tốc độ gió sẽ đưa nguồn bụi này đi các nơi, có thể cuốn về gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội" - ông Sính nhận định.
Theo ông Sính, trong những lần lập báo cáo về chất lượng không khí trước đây, Green ID đã từng mời một số chuyên gia nước ngoài hỗ trợ tính toán về quỹ đạo di chuyển của bụi mịn PM 2.5, theo đó có bằng chứng bụi mịn "di chuyển từ những khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh, ở đó có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than và ximăng, theo chiều gió đưa về gây ô nhiễm tại Hà Nội".
Dù vậy, vị chuyên gia này cho biết vẫn chưa thể tính toán được tỉ lệ đóng góp bao nhiêu phần trăm trong số nguồn gây ô nhiễm không khí của các nhà máy ximăng hay điện than.
Đặc biệt, trước thực tế ô nhiễm không khí còn tiếp diễn, Sở Tài nguyên - môi trường TP Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân trên toàn TP nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm gồm: người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp không nên ra khỏi nhà, không tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối cũng như cần trang bị khẩu trang chống bụi PM 2.5 đạt chuẩn vì ô nhiễm có thể kéo dài.
Sở Tài nguyên - môi trường còn khuyến cáo "tất cả mọi người cần hạn chế tối đa các hoạt động gây ô nhiễm không khí như không đốt rác, dừng đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân".
Tác giả: Diệu Tâm (T/H)
Nguồn tin: doisongplus.vn