Đoàn đã khảo sát tại Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE, Công ty cổ phần May Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng Môi trường và đô thị Kỳ Anh.
Bà Lê Thị Hải Yến (thứ 2 trái sang) – Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh – Trưởng đoàn Khảo sát đang kiểm tra tại Cty CP May Hà Tĩnh |
Quá trình khảo sát, đoàn đặc biệt quan tâm việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến thai sản, nuôi con nhỏ và việc thành lập các khu nhà ở tập thể, nhà giữ trẻ trong các doanh nghiệp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho CB, CN trực tiếp sản xuất yên tâm làm việc, đảm bảo quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.
Qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đều chia sẻ, do tính đặc thù nên lao động nữ chiếm số lượng khá đông (1.016/1491 lao động/5 đơn vị), chiếm tỷ lệ 70%. Lao động nữ đông, số nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao đã ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nhiệm vụ và năng suất lao động, đặc biệt là khi thời gian nghỉ sinh đối với lao động nữ được kéo dài từ 4 tháng lên 6 tháng (áp dụng từ 1/5/2013, theo Luật Lao động sửa đổi năm 2012).
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn chủ động sắp xếp, tạo mọi điều kiện nhằm bảo đảm chế độ tiền lương, các chính sách pháp luật lao động theo quy định hiện hành cho lao động nữ nói riêng, người lao động nói chung. Theo đó, lương bình quân đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp được khảo sát là: 3.500.000đ/tháng; 100% lao động nữ được nghỉ khám thai theo định kỳ 5 lần/ 1 lần mang thai; 100% lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng/lần sinh; 100% lao động nữ được nghỉ 1h/ngày đối với trường hợp nuôi con dưới 1 tuổi.
Việc khám sức khỏe định kỳ miễn phí được công đoàn các doanh nghiệp quan tâm tổ chức thực hiện, hàng năm có 80% lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ. Số còn lại không tham gia khám do không có nhu cầu.
Chị em công nhân tại Cty May Hà Tĩnh |
Ông Dương Tất Thắng – GĐ Công ty CP May Hà Tĩnh chia sẻ: “May là công việc đặc thù, sản xuất theo dây chuyền, và làm theo ca, lao động nữ chiếm 90%, số lượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ khá cao, phần nữa làm việc một thời gian lại bỏ theo chồng, đi nước ngoài…làm ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền sản xuất của công ty. Để thu hút lao động và tạo điều kiện cho lực lượng lao động nữ yên tâm công tác, Cty đã xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động và đặc biệt đã tổ chức được một nhà giữ trẻ trong khu tập thể với một lớp học có từ 10-15 cháu đến gửi, độ tuổi từ 6 tháng trở lên, được gửi miễn phí, lương giáo viên do công ty chi trả”.
Cty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Môi trường và Đô thị Kỳ Anh cho biết, sắp tới Cty sẽ xây dựng nhà giữ trẻ với quy mô 3 lớp, giúp cán bộ, công nhân lao động có nơi ăn chốn ở, có nơi gửi con trẻ, yên tâm công tác.
Các cháu nhỏ là con em công nhân tại lớp nhà trẻ Khu tập thể của Cty May Hà Tĩnh |
Qua khảo sát tại 5 đơn vị nói trên, nhìn chung vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với người lao động vẫn là đất ở, nhà ở, nhà gửi trẻ tại nơi làm việc (117 lao động có đất nhưng chưa có nhà trong đó có 75 lao động nữ; 175 lao động chưa có đất, có nhu cầu mua đất ở trong đó có 148 lao động nữ; 3/5 đơn vị không có nhà gửi trẻ).
Do vậy, các doanh nghiệp đang đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ để cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, có chính sách cấp đất ở, nhà ở cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng các nhà gửi trẻ tại nơi làm việc nhằm thu hút và đáp ứng nguyện vọng của người lao động, nhất là lực lượng lao động nữ trực tiếp sản xuất.