Có sự chuẩn bĩ kĩ lưỡng trong suốt một tháng qua, cộng với quyết tâm làm nên bất ngờ ở lần đầu được dự giải đấu, U23 Việt Nam tỏ ra rất tự tin trong trận ra quân. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, U23 Jordan – đối thủ Tây Á vẫn được đánh giá cao hơn. Tại vòng loại, đội bóng này đứng đầu bảng B, ghi tới 12 bàn thắng sau 3 trận. Thêm vào nữa, so về thể lực, thể hình, thầy trò HLV Miura cũng chịu nhiệu thiệt thòi.
U23 Việt Nam được coi là đội yếu nhất giải. Đây thực ra cũng là lợi thế, bởi ít nhiều, chúng ta không bị soi xét hay dè chừng. Bất chấp việc không thể giành nổi 1 chiến thắng trong 5 trận giao hữu trước thềm ngày thi đấu chính thức, HLV Miura vẫn tự tin đặt mục tiêu tứ kết cho các học trò. Thậm chí, mới đây, ông thầy người Nhật còn ‘mạnh mồm’ tham vọng tới Olympic Rio vào hè 2016.
Bước vào trận đấu, rất bất ngờ khi Miura không còn sử dụng chiến thuật 4-4-2 quen thuộc, ông áp dụng sơ đồ 4-3-3 đầy lạ lẫm. Theo đó, Duy Mạnh, Xuân Trường và đội trưởng Hữu Dũng đá ở khu trung tuyến, trong khi Công Phượng, Văn Toàn, Thanh Bình gánh trách nhiệm ở hàng công.
Ý đồ của nhà cầm quân người Nhật là rất rõ ràng. Hữu Dũng với sự cơ động và khả năng tranh chấp năng nổ của mình được kì vọng sẽ thường xuyên bó vào giữa để hỗ trợ cho đồng đội, tăng cường yếu tố cơ bắp và giúp tuyến giữa hoạt động trơn tru hơn.
Điều này không phải là không có lý, nhưng chưa đủ. Việc chỉ chăm chăm chống đỡ những tình huống bóng bổng của đội bạn khiến chúng ta rơi vào bị động hoàn toàn. Đòn kết liễu đầu tiên mà đội bóng Tây Á đưa ra gây nhiều ngỡ ngàng khi nó lại xuất phát từ đường chọc khe trung lộ. Nói gì thì nói, phải thừa nhận rằng, chúng ta bị đội bạn ‘xoay như chong chóng’. Họ miệt mài chơi bóng dài, nhưng khi cần lại ghi bàn bằng pha phối hợp gọn ghẽ, đánh đúng vào lỗ hổng chẳng ai ngờ.
Người hâm mộ có thể trách cứ Tấn Tài mắc lỗi vị trí, hoặc chê bai hàng tiền vệ đã dành cho Ahmad Mohammad có quá nhiều không gian, thời gian để chọc khe, song cần phải thấy rằng đây là sai lầm của cả một hệ thống. Cách tiếp cận trận đấu của ông Miura là hoàn toàn thiếu chính xác, việc nghiên cứu đánh giá đối thủ cũng không trọn vẹn.
Ở hiệp 2, sự có mặt của Hồng Duy đưa U23 Việt Nam quay về với sơ đồ 4-4-2 quen thuộc. Cũng kể từ lúc đó, chúng ta chơi đường nét hơn. Có điều, trong bối cảnh bị dẫn bàn, lại ham dâng lên tìm bàn gỡ, Công Phượng và các đồng đội đã phải trả giá.
Ông Miura quá bảo thủ. Những tưởng sau hiệp đấu đầu tiên, vị HLV 52 tuổi sẽ sớm phải thay đổi lối chơi, tìm cách tiếp cận mới. Nhưng không, phải mãi cho tới giữa hiệp 2, quyền thay người mới được ông ‘ngó ngàng’ tới.
So về thể hình và cả kĩ thuật, rõ ràng, U23 Việt Nam thua xa đối thủ. Việc cứ phải căng sức đuổi bắt khiến đội bị động, đồng thời, bị tàn phá thể lực. Thiết nghĩ, giữa thế trận như vậy, điều cần thiết là phải giữ được nhịp độ trận đấu, cố gắng kiểm soát bóng nhiều hơn.. Do đó, những cái tên như Hồng Duy, Tuấn Anh lẽ ra phải được trọng dụng.
Hơn 1 tháng rèn quân có lẽ là chưa đủ để HLV Miura chọn được cho mình bộ khung ưng ý nhất. Cách ông loay hoay dùng người là minh chứng cho điều ấy. Nhà cầm quân người Nhật vừa sai về việc bố trí đội hình, lại yếu về khâu chuẩn bị, nghiên cứu đối thủ, nên thua, âu cũng là chuyện thường tình.
Thất bại 1-3 trước Jordan khiến cho tham vọng Tứ kết của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề. 2 trận còn lại, trước U23 UAE và U23 Australia, Xuân Trường và các đồng đội buộc phải giành ít nhất 4 điểm (1 thắng, 1 hòa) mới có hy vọng hiện thực hóa giấc mơ. Đây là thử thách thực sự khó nhằn, nếu không muốn nói là thiếu tính khả thi.
J.S