Theo kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính tỉnh ủy cũng là nội dung kiểm tra.
Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN. |
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát do 7 thành viên của Ban làm trưởng đoàn để kiểm tra các tỉnh ủy: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Hậu Giang, Bến Tre.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được xem xét có mốc thời gian từ 1/1/2011 đến 30/6/2016 và các vụ có dấu hiệu tham nhũng xảy ra trước ngày 1/1/2011, nhưng còn vướng mắc, tồn đọng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Theo kế hoạch, các tỉnh ủy báo cáo kết quả tự kiểm tra, giám sát về Ban Nội chính Trung ương trước ngày 15/8/2016. Các đoàn kiểm tra, giám sát báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Trung ương) từ 20/8 đến ngày 20/10.
Thông qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là vụ nghiêm trọng phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
Theo TTXVN/Vietnam+