Thị trường lan đột biến đang rất "sốt", thu hút sự chú ý của nhiều dân chơi. Ảnh minh họa: Nhân dân |
Lan đột biến bắt đầu "lên cơn sốt", trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan thời gian gần đây dù giá cao chót vót, từ vài trăm triệu lên tới vài chục tỷ đồng.
Các thương vụ lan đột biến diễn ra công khai, liên tục, được chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội như giao dịch mua - bán Hoa Lan Giã Hạc 5 cánh trắng giá gần 7 tỷ đồng ở Đà Nẵng, Lan Giã Hạc 5 cánh trắng có giá trị 6,8 tỷ đồng từ anh Tuyên Võ ở Bình Thuận, Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ, cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ, cây Da Vàng 10 tỷ đồng ở Bình Phước.
Tuy nhiên, không ít người đã phải nếm trải "trái đắng" khi không tìm hiểu kỹ mà đã bỏ ra số tiền lớn để mua lan đột biến.
Một số chủ vườn uy tín bảo hành cho để lúc lan trổ hoa, nhưng cũng có những giao dịch chóng vánh theo kiểu trục lợi thì người mua là người "gánh họa" khi lan không trổ bông đúng như cam kết trong khi người bán đã cao chạy xa bay, chẳng biết phương nào mà tìm.
Ngoài ra, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.
Trao đổi với Đất Việt liên quan đến việc tăng giá nhanh chóng mặt đến mức đáng ngờ của lan Phi điệp đột biến trong thời gian qua, nhiều chuyên gia sinh vật cảnh cho rằng, trong những cuộc giao dịch tiền tỷ loại cây này đều có kịch bản và chính những người thân trong gia đình, anh em, bạn bè là những người đầu tiên được lôi kéo vào việc mua bán này.
Nghệ nhân chơi cây lâu năm L.G.H ở Thanh Hóa cho biết, cây lan var đang bị "làm giá", nhiều người cuốn theo dòng xoáy bởi lợi nhuận của sự tăng giá phi mã chỉ trong một thời gian ngắn.
Việc lan đột biến gây sốt thời điểm này khiến nhiều người liên tưởng đến cây Vạn tuế vào thập niên 90 của thế kỷ XX hay sau đó là cây hoa sứ. Cũng có thời điểm 2 loại cây này được đội giá lên rất cao. Nhiều người sẵn sàng bán cả gia tài, dồn tiền vào những loại cây này hòng kiếm lời.
Vị này cho hay, để bán một giò lan var tiền trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng thì không thể mua bán từ những người lạ mặt.
Thông thường, người bán bắt đầu giới thiệu cho những người thân trong gia đình, có thể đó là bạn bè cùng giới chơi cây với nhau hoặc là những người thân trong gia đình.
"Để tạo ra độ tin cậy, ban đầu người mua sẽ được mời chứng kiến vào những cuộc giao dịch lan var tiền tỷ.
Sau nhiều lần tham gia, người mua dù có đặt ra bao nhiêu sự nghi ngờ đến đâu cũng phải công nhận rằng các cuộc giao dịch ấy là có thật, rồi tự nhiên sẽ nảy sinh tâm lý muốn kiếm lợi nhuận mà đổ tiền mua vào.
Họ không kịp suy xét rằng, giá trị của cây lan var có đến mức đó hay không, tại sao lại có người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như thế để mua một cây mà cao hơn giá trị thực rất nhiều" - ông G. bày tỏ.
Có những trường hợp, để tạo lên cơn sốt lan var, người bán sẽ tìm mọi cách mời người mua thực hiện giao dịch kèm theo cam kết sẽ sẵn sàng giới thiệu một khách hàng mới mua lại giò lan var đó với giá trị cao hơn giá đã bán cho họ.
Điều đó có thể xảy ra hiện tượng, người bán và người mua sau cùng một nhóm hội.
Họ tạo ra một vòng tròn, khoản tiền mua lan ở đợt giao dịch sau được lấy bởi của chính người giao dịch trước để đội giá lan var lên. Đến một mức nào đó, họ sẽ rút không mua nữa và người mua sau cùng sẽ phải gánh tất cả hậu quả.
"Ví dụ, một kie lan var được bán với giá 1 tỷ đồng. Tháng sau, chính người bán lại giới thiệu khách tìm đến hỏi mua lại, sẵn sàng bỏ ra số tiền 1,2 tỷ đồng để mua lại kie lan đó. Chỉ trong vòng 1 tháng mà lãi tới 200 triệu đồng thì ai cũng nảy sinh lòng tham mà tiếp tục đầu tư vào lan.
Dần dần họ sẽ bị cuốn vào vòng xoáy lúc nào không hay, số tiền giao dịch dần dần tăng lên. Đến một lúc nào đó, không còn người tìm đến mua nữa thì lan var sẽ rớt giá thê thảm. Giò lan trước mua 1 tỷ, khi đó bán với giá chục triệu đồng cũng khó" - ông G. cho biết.
Nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư dễ dẫn đến “nguy cơ có thể vỡ nợ dây truyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động tín dụng đen”.
Tác giả: Bạch Hiền (t/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com