Rất nhiều lãnh đạo xã thuộc huyện Can Lộc nói thẳng với chúng tôi rằng, hàng năm, UBND đều có báo cáo dự toán, kết quả thu, chi ngân sách trình phòng Tài chính Kế hoạch thẩm định và UBND huyện phê duyệt. Từ đó, việc thực hiện thu, chi ở các xã đều đã được cấp trên đồng ý thì dưới cơ sở mới dám làm. Từ đấy, đặt ra một vấn đề cần xem lại việc thực thi pháp luật ở cơ sở.
Hoa mắt với các khoản thu
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Lộc đến 30/6/2015, toàn xã nợ các ngân hàng tổng số tiền 25,043 tỷ đồng. Nếu chia đều cho 3.150 khẩu thì mức bình quân mỗi khẩu đang nợ 7,9 triệu đồng. (Đó là chưa kể các khoản nợ nóng của người dân không thông qua kênh vốn ngân hàng). Vĩnh Lộc hiện có 11,6% hộ nghèo = 117 hộ và 12% hộ cận nghèo = 121 hộ. Khó khăn còn nhiều, vậy mà ở Vĩnh Lộc, nông dân đang phải đóng góp các khoản trả các công trình xây dựng như trụ sở UBND, trường học, nhà văn hóa… Chúng tôi đã hỏi, phải chăng là xã đang vận động người dân trả các khoản nợ? Ông Chủ tịch UBND xã nói: Ừ, kể cả hộ nghèo. |
Đơn cử như việc chính quyền nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tiến hành thu hàng tỷ đồng của người dân để xây trụ sở. Trong khi đó, kinh phí xây trụ sở do 100% vốn Nhà nước đầu tư được quy định cụ thể trong Quyết định 695/QĐ – TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc thu theo khẩu, cộng với thu theo đầu sào để có 850 triệu đồng/năm trả nợ xây dựng trụ sở, UBND xã Gia Hanh (Can Lộc) còn nhiều khoản thu mà các cơ quan chức năng cần làm rõ đúng sai.
Theo báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách năm 2014, dự toán năm 2015 của UBND xã Gia Hanh trình HĐND xã tại kỳ họp đầu năm nay:
1. Thu đóng góp xây dựng hội trường UBND xã:
Thu theo khẩu: 5.945 khẩu x 100.000 khẩu/năm = 594 triệu đồng.
Thu theo diện tích: 8.500 sào x 30.000 đồng/sào = 255 triệu đồng.
2. Thu sửa chữa kênh mương: 7.180 sào x 10.000đ/sào = 71,8 triệu đồng
3. Thu quỹ sửa chữa giao thông: 5.945 khẩu x 10.000đ/khẩu = 59,45 triệu đồng.
4. Thu quỹ quản lý:
Thu theo khẩu: 5.945 khẩu x 15.000 đồng/khẩu = 89,1 triệu đồng.
Thu theo diện tích: 8.500 sào x 15.000 đồng/sào = 127,5 triệu đồng.
5. Thu quỹ văn hóa: 5.945 khẩu x 10.000 đồng/sào = 59,45 triệu đồng.
6. Thu quỹ đất dự phòng: 6 triệu đồng.
7. Thu quỹ phát triển sản xuất: 8.500 sào x 10.000 đ/sào = 85 triệu đồng.
8. Thu quỹ tiêm phòng: 890 hộ x 30.000 đồng/hộ = 26,7 triệu đồng.
9. Quỹ an ninh quốc phòng: 1.050 hộ x 40.000đ/hộ = 42 triệu đồng.
10. Quỹ đền ơn đáp nghĩa: 3.500 lao động x 2kg x 5.500đ/kg = 38,5 triệu đồng.
11. Quỹ phòng chống thiên tai: 3.500 lao động x 1kg x 5.500đ/kg = 19,25 triệu đồng.
12. Quỹ bảo trợ trẻ em: 3.500 lao động x 2kg x 5.500đ/kg = 38,5 triệu đồng.
13. Quỹ khuyến học: 3.500 lao động x 1kg x 5.500đ/kg = 19,25 triệu đồng.
Tương tự ở xã Vĩnh Lộc, ngoài việc huy động hơn 1,2 tỷ đồng của người dân để xây trụ sở, từ 2011 – 2014, UBND xã tiến hành thu các loại quỹ với tên gọi là Quỹ Khuyến nông 13kg/sào (có năm ghi là Quỹ Phát triển sản xuất), Quỹ Hành chính 13 kg/sào (có năm ghi là Quỹ Phụ cấp cán bộ). Năm 2015, xuất hiện tên mới là Quỹ Văn hóa xã hội với mức thu 50.000 đồng/khẩu.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND xã khóa XVIII vừa kết thúc, nhiều đại biểu đã lên tiếng về những khoản thu này, trong đó có những khoản thu theo đầu sào là trái với quy định.
Gia đình anh Phạm Đức Oanh là một hộ nghèo ở thôn Thượng Triều. Từ năm 2012 đến 2014, các nhân khẩu trong hộ phải đóng nộp tổng cộng 3.570.000 đồng tiền xây dựng trụ sở UBND xã. Vừa thoát được năm ngoái thì năm nay, trong phương án thu của xã, gia đình anh Oanh phải đóng 500.000 đồng xây dựng nhà văn hóa, 400.000 đồng Quỹ Văn hóa xã hội…
Anh Hồ Văn Thìn, một người dân Can Lộc bức xúc về các khoản xã yêu cầu người dân phải nộp
Nhìn vào tập phương án thu của những gia đình nông dân nơi này trong vòng 6-7 năm qua, chúng tôi giật mình. Các khoản đóng góp xây dựng nặng nề, các loại quỹ biến tướng từ tên gọi này sang tên gọi khác. Chúng tôi tự hỏi, Quỹ Văn hóa xã hội là thứ quỹ gì mà mỗi người dân trong xã phải bỏ ra 50.000 đồng để đóng?
Ông Phạm Đức Hướng – Chủ tịch UBND xã phân tích: “Quỹ Văn hóa xã hội thực ra là quỹ phụ cấp cho những người không chuyên trách”.
Theo điều tra của PV, loại quỹ này, những năm trước, nhiều xã ở huyện Can Lộc sử dụng tên gọi Quỹ Hành chính. Sau khi có một số văn bản chỉ đạo về việc ban hành loại quỹ này có vấn đề, các xã lập tức chuyển thành các tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất, khoản thu này nhằm mục đích trả công “cán bộ”.
Trong các báo cáo quyết toán thu chi ngân sách hàng năm của UBND xã Vĩnh Lộc, chúng tôi thấy, tổng sản lượng Quỹ Hành chính và Quỹ Phục vụ sản xuất lên đến 40 tấn/năm, song thực tế chi phí cho trả phụ cấp và “công ngoại” hết từ 19 – 20 tấn/năm. Việc không sử dụng hết số thóc thu được UBND xã chuyển sang chi vào những mục đích khác đã không có báo cáo rõ ràng với HĐND nên kỳ họp vừa rồi, rất nhiều đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND xã đề nghị làm rõ.
Vậy, ai đã nghĩ ra tên gọi loại quỹ này? Ông Hướng nói: Cái này tùy từng đơn vị. Như xã ta thì ta tự nghĩ. “Nhưng nhiều người dân không biết loại quỹ này là gì?”. PV hỏi tiếp. Ông Hướng trả lời: Cán bộ có số nói như vậy, đại biểu hội đồng có người nói như thế… Quỹ này hỗ trợ phụ cấp cho “cán bộ”. Mình cũng không đánh tráo gì cả. Không biết thu cách răng, thu nhiều cũng không được vì dân ở mô cũng khó khăn.
Còn có một phần chi rất khó hiểu là công ngoại thì ông Hướng bảo rằng, cái này phải chờ bộ phận tham mưu, giúp việc có văn bản trả lời mới chính xác được. Nói rồi vị Chủ tịch xã đứng dậy tắt quạt điện, đóng cửa sổ và nói “mai mắc”, không làm việc được.
Hai hôm sau, nhóm PV chúng tôi quay lại thì ông Hướng không có mặt ở trụ sở. Điện thoại, ông không nghe máy. Gọi điện cho ông Kiên – Bí thư Đảng ủy xã thì nghe tiếng người phụ nữ cầm máy và bảo chờ anh Kiên một tý. Sau đó chúng tôi được ông Kiên nói lại đang ở nhà, hẹn hôm sau làm việc. Lúc này là 10 giờ 4 phút ngày 30/7/2015.
Chưa thực hiện quy chế dân chủ
Không làm việc được ở xã, chúng tôi phải tiếp tục tìm hiểu về các khoản thu, về quy chế dân chủ ở các thôn. Theo như lời ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc thì hầu hết các khoản thu đã được đưa ra bàn bạc với người dân, nhưng thực tế không phải như vậy.
Bí thư Chi bộ thôn Thượng Triều, ông Nguyễn Quang Thư cũng nói rằng, khoản thu này thực chất là Quỹ Hành chính để trả công cho “cán bộ”.
“Năm trước thu 13 kg/sào, sau khi được biết thu thế là sai thì xã lại chuyển sang Quỹ Văn hóa xã hội, năm nay thu 50 ngàn đồng/khẩu. Xã không đưa ra bàn theo quy định của Pháp lệnh 34 về quy chế dân chủ, tức là không xin nhân dân có cho thu hay không. Chỉ thông qua chứ không bàn cụ thể. Cả xã được khoảng 142 triệu đồng.
Ông Bùi Quốc Đàn, một nông dân trong thôn nói vào: Thực tình, cái Quỹ Văn hóa xã hội ni nhân dân không biết thu để làm chi cả, tuy nhiên dân không chống.
Ông Nguyễn Huy Lan, một lão nông trong thôn Thượng Triều bức xúc: Các khoản thu theo quy định của Nhà nước như Quỹ ANQP, Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học… người dân chúng tôi chấp nhận đóng. Còn các khoản thu như Quỹ Văn hóa xã hội, đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn khi công trình đã đưa vào sử dụng 3 năm rồi mà dân không được biết, không được bàn chi cả thì khó hiểu. Bầy tui chỉ là dân đen, nếu không nộp thì con đi học đại học, đi xuất khẩu lao động họ không ký, đóng dấu hồ sơ cho. Tui muốn vay ngân hàng cũng không vay được…
Bây giờ thì gia đình ông Lan đã trả hết các khoản nợ cho UBND xã Vĩnh Lộc rồi. Đó là khi người đàn ông gầy gò gần 60 tuổi này phải đi làm công, lao động cho các công trình của xóm để trừ vào tiền đóng nộp. Nhưng không chỉ có thế, trước đó, khi người con trai Nguyễn Huy Phong và con gái Nguyễn Thị Bình có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, ông Lan phải bán con bò trong chuồng để nộp đủ các khoản nợ cho xã rồi mới xin được giấy tờ từ ủy ban.